Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1722/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1722/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2021
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1722/KH-UBND

Lai Châu, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 1745/QĐ-BYT, ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Làm giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng, giảm gánh nặng bệnh tật do mắc bệnh ký sinh trùng và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người gây nên tại các vùng dịch tễ.

- Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun truyền qua đất, ưu tiên ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi.

- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Chỉ tiêu

- Chỉ tiêu 1: Xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh.

- Chỉ tiêu 2: Mỗi năm giảm 5% tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất và sán lá gan nhỏ tại các vùng dịch tễ để đến năm 2025 giảm 23% so với hiện tại; các bệnh giun sán thường gặp khác được phát hiện và xử lý kịp thời.

- Chỉ tiêu 3: Điều trị 100% cho người được chẩn đoán nhiễm các loại giun sán.

- Chỉ tiêu 4: Tẩy giun 2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên:

+ Trên 95% học sinh tiểu học (trung bình khoảng 59.000 học sinh/năm) trong toàn tỉnh;

+ Trên 95% trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi (trung bình khoảng 36.000 trẻ/năm) trên toàn tỉnh;

+ Trên 50% trẻ từ 12-23 tháng tuổi được tẩy giun theo quy định.

- Chỉ tiêu 5: Sau khi xác định được vùng dịch tễ bệnh kí sinh trùng:

+ Thực hiện điều trị hàng loạt một lần/năm cho đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ tại các vùng dịch tễ nơi có tỷ lệ nhiễm cao trên 20%; 2 năm một lần cho các đối tượng nguy cơ sống trong vùng dịch tễ nơi có tỷ lệ nhiễm từ 10% đến dưới 20% và điều trị ca bệnh tại các vùng dịch tễ còn lại.

+ Điều trị ca bệnh đối với các bệnh sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán lá ruột.

- Chỉ tiêu 6: 100% các vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tiến hành các biện pháp phòng, chống.

- Chỉ tiêu 7: Trên 50% người dân tại tỉnh được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền phòng, chống các bệnh ký sinh trùng.

- Chỉ tiêu 8: 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn tiến hành được các hoạt động phòng chống bệnh giun truyền qua đất, bệnh sán lá phổi, bệnh giun sán truyền qua thức ăn và báo cáo kết quả thực hiện.

- Chỉ tiêu 9: 100% cơ sở y tế các tuyến có cán bộ được đào tạo về phòng chống bệnh ký sinh trùng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện đa khoa tỉnh có thể triển khai thực hiện phương pháp chẩn đoán, điều trị và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh ký sinh trùng.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chính sách

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp hàng năm và theo giai đoạn của địa phương.

[...]