Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2022 về phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 18/04/2022
Ngày có hiệu lực 18/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2022- 2025

I. TÌNH HÌNH BỆNH KÝ SINH TRÙNG

1. Một số thông tin cơ bản về bệnh ký sinh trùng

Các bệnh ký sinh trùng (gọi chung là giun, sán) ở người là một bệnh truyền nhiễm thường gặp phổ biến, hàng đầu phải kể đến là bệnh về giun, sán như: Bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn. Khoảng 70 - 80% người dân nhiễm ít nhất một loại giun. Hiện nay, đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.

Bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá ở người; nặng có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khoẻ của người dân, tác động xấu tới sức khoẻ cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật, tổn hại kinh tế. Bệnh đã có phác đồ điều trị và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm.

2. Tình hình bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn

Mặc dù trong những năm gần đây tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nguồn nước sạch tại các địa phương trên toàn tỉnh tăng dần, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân nuôi gia súc thả rông, sử dụng phân tươi để trồng hoa màu, nuôi cá, thói quen đi chân đất, nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo..., cộng thêm thói quen ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh, đồ tái, sống nên nguy cơ lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng giun, sán là rất cao. Theo số liệu điều tra năm 2015 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ở trẻ em 24 - 60 tháng tuổi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại giun ở tỉnh Bắc Kạn là 14%.

Nhóm bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh: Bệnh giun truyền qua đất (bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc); bệnh giun đường ruột khác (bệnh giun kim); bệnh sán lá truyền qua thức ăn (sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn); bệnh giun, sán lây truyền từ động vật sang người (sán dây/ấu trùng sán lợn, sán dây chó, bệnh ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng giun đũa chó mèo).

II. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch

- Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007.

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 1744/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam”.

- Quyết định số 1745/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Giảm tỷ lệ nhiễm giun sán tập trung, ưu tiên tại các vùng có dịch tễ có nguy cơ cao, tiến tới khống chế và loại trừ dần một số bệnh giun, sán, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

- Củng cố và nâng cao năng lực của ngành y tế để phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên phạm vi toàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- 100% cán bộ phụ trách phòng chống bệnh ký sinh trùng được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó cán bộ chuyên trách tỉnh được tập huấn chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng.

- 100% Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chẩn đoán, điều trị được các bệnh giun, sán thường gặp.

- 20% các thôn, xã tại các huyện, thành phố có nguy cơ nhiễm giun, sán được điều tra, lấy mẫu xét nghiệm.

- Trên 95% học sinh các trường tiểu học và trẻ 24-60 tháng tuổi trên địa bàn được duy trì uống thuốc tẩy giun ít nhất 01 lần/năm.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Giải pháp về nguồn lực

- Đảm bảo kinh phí địa phương để triển khai các hoạt động phòng chống ký sinh trùng, trong đó ưu tiên cho hoạt động điều tra, nghiên cứu, giám sát, đào tạo tập huấn, truyền thông giáo dục sức khỏe.

[...]