Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 416/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2022
Ngày có hiệu lực 23/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/KH-UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

 PHÒNG, CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH NGHỆ AN

GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Quyết định số 1745/QĐ-BYT, ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Làm giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng, giảm gánh nặng bệnh tật do mắc bệnh ký sinh trùng và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người gây nên tại các vùng dịch tễ.

- Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun truyền qua đất, ưu tiên ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi.

- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống Phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Chỉ tiêu

- Chỉ tiêu 1: 100% người dân tại các vùng lưu hành bệnh giun sán cao được tiếp cận với các thông tin truyền thông phòng chống bệnh

- Chỉ tiêu 2: Xây dựng bản đồ và xác định vùng lưu hành dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2022- 2025.

- Chỉ tiêu 3: Mỗi năm giảm 2% tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất tại các vùng dịch tễ để đến năm 2025 tỷ lệ nhiễm chung dưới 10%; các bệnh giun sán thường gặp khác được phát hiện và xử lý kịp thời. Điều trị 100% cho người được chẩn đoán nhiễm các loại giun sán.

- Chỉ tiêu 4: Tẩy giun 1-2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên:

+ Trên 90% học sinh tiểu học từ 6-11 tuổi được tẩy giun

+ Trên 90 % trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được tẩy giun

- Chỉ tiêu 5: 100% các vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tiến hành các biện pháp phòng chống.

- Chỉ tiêu 6: 100% các trạm y tế xã, phường tại các vùng dịch tễ bệnh tiến hành được các hoạt động phòng chống bệnh giun truyền qua đất, các bệnh giun sán truyền qua thức ăn và báo cáo kết quả thực hiện.

- Chỉ tiêu 7: 100% cơ sở y tế các tuyến có cán bộ được đào tạo về phòng chống bệnh ký sinh trùng.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chính sách

- Xây dựng kế hoạch Phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp hàng năm và theo giai đoạn của địa phương.

- Các cơ quan, đơn vị tuyến tỉnh xác định và huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác Phòng, chống bệnh ký sinh trùng.

- Tuyến tỉnh xác định và huy động nguồn kinh phí, triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng. Nâng cao chất lượng giám sát phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh ký sinh trùng.

- Triển khai thực hiện các quy định, quy trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống ký sinh trùng theo quy định.

- Huy động, hướng dẫn sự tham gia và phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân vào công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng.

[...]