Kế hoạch 170/KH-UBND về duy trì, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của Thành phố Hà Nội

Số hiệu 170/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2023
Ngày có hiệu lực 15/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

DUY TRÌ, NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH (PAR INDEX); CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC (SIPAS) NĂM 2023 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ngày 19/4/2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng SIPAS năm 2022, theo đó, Chỉ số CCHC của Thành phố đạt 89.58%, tăng 7 bậc so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hài lòng SIPAS đạt 80.16%, tiếp tục xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Để duy trì, nâng cao Chỉ số PAR INDEX; cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2022, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch duy trì, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục duy trì các chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao; cải thiện, nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, đạt điểm thấp.

- Chỉ số PAR INDEX của Thành phố năm 2023 nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.

- Chỉ số SIPAS tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS đạt trên 83% mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, đặc biệt là các cơ quan chủ trì tham mưu các nội dung, lĩnh vực trong Chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh, Chỉ số SIPAS đánh giá đúng kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.

- Triển khai hệ thống các giải pháp, khắc phục ngay những tiêu chí, tiêu chí thành phần bị trừ điểm, nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2023 của Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX)

1.1. Các nội dung: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã:

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức, triển khai thực hiện kịp thời Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Thành phố và Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số của Thành phố.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch về: CCHC; kiểm tra công tác CCHC; tinh giản biên chế; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Báo cáo định kỳ về CCHC; đánh giá về rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; thống kê về tình hình, kết quả sử dụng biên chế; bố trí công chức, viên chức theo vị trí việc làm; kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức; kết quả tinh giản biên chế; kết quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính gửi Bộ Nội vụ đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu.

- Xây dựng các giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao điểm số đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm và chưa đạt điểm tối đa: Thực hiện Kế hoạch CCHC, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức và các tiêu chí được đánh giá qua điều tra xã hội học: (1) Tính hợp lý trong sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh; (2)Tính hợp lý trong phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương; (3) “Tính công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức”; (4) “Tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức”; (5) “Tính công khai, minh bạch trong công tác bổ nhiệm công chức, viên chức”; (6) “Tình trạng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm công chức, viên chức”; (7) Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; (8) Năng lực chuyên môn của công chức trong phối hợp, xử lý công việc; (9) Tinh thần trách nhiệm của công chức trong phối hợp, xử lý công việc; (10) Tình trạng công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân trong phối hợp, xử lý công việc; (11) Tính hiệu quả trong việc thực thi chính sách thu hút người có tài năng vào bộ máy hành chính.

1.2. Nội dung: Cải cách thể chế

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tiếp tục triển khai các kế hoạch: theo dõi thi hành pháp luật; rà soát văn bản QPPL; xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện rà soát văn bản QPPL, theo dõi thi hành pháp luật: Đảm bảo 100% số văn bản QPPL phải được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sau rà soát; 100% văn bản phát hiện trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị phải được xử lý hoặc kiến nghị xử lý.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Kế hoạch phối hợp số 777/KH-BTP-UBNDTPHN và Quyết định số 770/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ Tư pháp về việc quyết định ban hành kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Xây dựng các giải pháp cụ thể để duy trì các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa và phối hợp điều tra xã hội học: (1) Tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thành phố; (2) Tính hợp lý của các VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thành phố; (3) Tính khả thi của các VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thành phố; (4) Tính kịp thời trong việc phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thành phố.

1.3. Nội dung: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC.

- Rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc ủy quyền, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện theo Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND Thành phố.

[...]