Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 1695/KH-TTCP năm 2023 tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 1695/KH-TTCP
Ngày ban hành 26/07/2023
Ngày có hiệu lực 26/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Trần Ngọc Liêm
Lĩnh vực Giáo dục

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1695/KH-TTCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 12/6/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐƯA NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀO GIẢNG DẠY TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TỪ NĂM HỌC 2013-2014

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 (sau đây gọi tắt là Chỉ thị); thực hiện Chương trình công tác năm 2023 số 32-CTr/BCĐTW ngày 19/01/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo kể từ năm học 2013-2014 theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông qua việc tổng kết, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Trên cơ sở các kết quả tổng kết, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cơ quan có liên quan các kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng đạo đức xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh về phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

2. Yêu cầu

- Việc tiến hành tổng kết Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan, toàn diện và đúng tiến độ; trong đó xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động cụ thể của Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương trong tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.

- Bám sát đề cương và các yêu cầu tổng kết, kèm theo số liệu chứng minh cụ thể; đánh giá những kết quả đã đạt được, trong đó nhấn mạnh những sáng kiến, phương pháp tốt trong việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy; phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; trong đó chú trọng giáo dục liêm chính, tiết kiệm trong học sinh, sinh viên.

II. NỘI DUNG

1. Triển khai, tổ chức việc thực hiện tổng kết

Thanh tra Chính phủ chủ trì, thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện tổng kết việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tổ công tác liên ngành do Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng và đại diện các Bộ ngành, cơ quan có liên quan, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai và phối hợp các hoạt động tổng kết theo Kế hoạch đề ra.

2. Nội dung tổng kết

Việc tổng kết bám sát vào các nội dung cụ thể của Chỉ thị số 10/CT-TTg gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung vào các nội dung chính sau:

- Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị.

- Công tác xây dựng tài liệu giảng dạy cho các cấp học, bao gồm: việc rà soát, hoàn thiện, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ ngành chủ quản.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên.

- Công tác tổ chức giảng dạy, bao gồm: việc biên soạn giáo trình, giáo án tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; nội dung, thời lượng và phương pháp giảng dạy (chính khóa và ngoại khóa); việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.

- Việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tổ chức giảng dạy.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện.

- Hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức giảng dạy.

- Bài học kinh nghiệm, bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra trong việc thực hiện Chỉ thị.

- Phương hướng và những giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị trong thời gian tới.

3. Phương thức tổng kết

3.1. Các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị trong phạm vi nhiệm vụ được phân công; gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ trước ngày 25/8/2023.

[...]