Báo cáo 653/BC-CP về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 653/BC-CP
Ngày ban hành 17/10/2024
Ngày có hiệu lực 17/10/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Đoàn Hồng Phong
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 653/BC-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2024

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2024

Kính gửi: Quốc hội khoá XV

Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Thông báo số 4259/TB-TTKQH ngày 19/9/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các báo cáo công tác năm 2024 và Văn bản số 4117/UBTP15 ngày 13/9/2024 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội; Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 như sau:

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo)[1], tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao quyết liệt triển khai, thực hiện nghiêm Kết luận Phiên họp thứ 25, Phiên họp thứ 26 và Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 30/5/2024; tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi[2].

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn và cụ thể hóa các văn bản của Đảng về PCTNTC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC[3]; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án[4]; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán[5] và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật[6].

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc nhằm chấn chỉnh, đấu tranh với tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024, trong đó yêu cầu nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động công vụ để chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

b) Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTNTC Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; tập trung xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra qua kết quả chỉ đạo rà soát của Đảng đoàn Quốc hội[7], Kết luận kiểm tra của Ban Chỉ đạo về công tác thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước[8] và các nội dung cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất; chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018. Chính phủ trình Quốc hội thông qua 18 Luật, trong đó có nhiều Luật liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để hạn chế tham nhũng, tiêu cực như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai 2024, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng 2024...Chính phủ ban hành 152 Nghị định[9], 237 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 23 Quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành 36.154 văn bản, sửa đổi, bổ sung 2.561 văn bản, bãi bỏ 226 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, góp phần tạo lập hành lang pháp lý ổn định, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai, thực hiện Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo. Ban cán sự đảng Chính phủ đã có Báo cáo số 2720-BC/BCSĐ ngày 30/3/2024 về tình hình, kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước gửi Ban Chỉ đạo. Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước, Ban cán sự đảng Chính phủ có Báo cáo số 3051-BC/BCSĐCP ngày 19/7/2024 về kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật theo Văn bản số 2303-CV/ĐĐQH15 ngày 02/4/2024 của Đảng đoàn Quốc hội triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo[10]; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng Kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo[11]; chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước” do Đảng đoàn Quốc hội chủ trì xây dựng.

Ngày 09/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP[12], trong đó giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản tại các cơ quan chậm ban hành nhiều văn bản. Bộ Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra tại 06 bộ[13]; trên cơ sở Báo cáo kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ[14], Thủ tướng Chính phủ[15] đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ và Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 19/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo tiến độ, chất lượng tham mưu, ban hành văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và các kỳ họp tiếp theo Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại đối với 3693 văn bản (gồm 474 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 3219 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh). Qua đó, đã kiến nghị xử lý đối với 144 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung (gồm 42 văn bản của cơ quan cấp bộ và 102 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh).

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC và hợp tác quốc tế về PCTN

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, trọng tâm là giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân[16]; thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin tuyên truyền về công tác PCTNTC, nhất là liên quan đến việc Trung ương cho thôi giữ chức vụ đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tăng cường đấu tranh, phản bác, xử lý các trường hợp thông tin vu cáo, xuyên tạc về công tác PCTNTC để chống phá Đảng và Nhà nước.

Trong năm 2024, hơn 19,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTNTC, với hơn 617 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTNTC được tổ chức và trên 1,3 triệu cuốn sách, tài liệu về PCTNTC được phát hành. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú được triển khai bám sát Quy định số 116-QĐ/TW ngày 28/7/2023 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền PCTNTC. Trong đó, tập trung thông tin, tuyên truyền về kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; kết quả thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp; gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh PCTNTC. Đặc biệt đã tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết, phong cách làm việc và những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và khẳng định sự quyết tâm tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tạo sự lan toả sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

b) Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân; góp ý, phản biện xã hội đối với các dự án luật, trong đó có nội dung liên quan đến công tác PCTNTC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của công dân, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở trong PCTNTC. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư (tổ chức ngày 05/11/2023); phát động Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 5 nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục khẳng định vai trò của báo chí đối với công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC, phòng, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần vào công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

c) Hợp tác quốc tế trong PCTN

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ thiện chí hợp tác và hội nhập và luôn giữ vững lập trường chính trị, khẳng định độc lập và chủ quyền của Việt Nam, cụ thể như: Tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); Tham dự Cuộc họp Mạng lưới các Cơ quan Chống tham nhũng và Thực thi pháp luật của APEC (ACT-NET) lần thứ 11, Cuộc họp Nhóm công tác về chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch (ACTWG) làn thứ 38 và Hội thảo APEC về trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhằm tăng cường liêm chính trong khu vực công trong khuôn khổ các cuộc họp APEC SOM1; Tham dự Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” và Diễn đàn Chống tham nhũng và Liêm chính Toàn cầu 2024; Tham dự Hội nghị Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN lần thứ 19; Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC); Việt Nam - Pháp ký kết nâng cấp bản ghi nhớ hợp tác về phòng, chống tham nhũng... góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

3. Tổ chức, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao[17] tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; chủ động nắm tình hình, xác minh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng. Kết quả cụ thể:

- Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV) thuộc Thanh tra Chính phủ đã chủ động tham mưu, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTNTC; tham mưu để Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của Ban chỉ đạo; chủ trì tham mưu sơ kết, tổng kết công tác PCTNTC; tham mưu đánh giá công tác PCTN của các địa phương theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2023[18]; tiếp tục thí điểm đánh giá công tác PCTN tại 03 Bộ (Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tài chính) để xây dựng, hoàn thiện các bộ chỉ số, tiến hành đánh giá đối với các bộ, ngành Trung ương; hướng dẫn việc kiểm soát tài sản, thu nhập; tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với người kê khai thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ quản lý; thực hiện các cuộc thanh tra theo chương trình công tác và các nhiệm vụ đột xuất khác khi được giao...

- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng[19]; đã thụ lý điều tra 14 vụ án/69 bị can (trong đó: Án cũ chuyển sang: 08 vụ án/33 bị can; khởi tố mới: 06 vụ án/36 bị can); thiệt hại tạm tính khoảng 3.500 tỷ đồng (một số vụ đang điều tra chưa xác định được thiệt hại). Quá trình điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản gồm: 756 tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác (riêng vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã kê biên, thu giữ 315,75 tỷ đồng; 1,97 triệu USD; 534 cây vàng SJC; 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại); một số vụ án đang tập trung điều tra, kê biên, phong tỏa tài sản để phục vụ công tác thu hồi, khắc phục hậu quả thiệt hại. Kết quả xử lý: Đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 02 vụ án/06 bị can; hiện đang điều tra 12 vụ án/63 bị can.

- Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao[20] đã thụ lý, thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát giải quyết 11 tin báo. CQĐT đã giải quyết 11 tin; Công tác THQCT và KSĐT các vụ án tham nhũng, chức vụ: đã thụ lý THQCT và kiểm sát điều tra 30 vụ/272 bị can. CQĐT đã giải quyết 11 vụ/101 bị can. Hiện đang điều tra 19/171 bị can (quá hạn 0). Công tác THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: đã thụ lý giải quyết 07 vụ/96 bị can, đã giải quyết truy tố 04 vụ/82 bị can, còn 03 vụ/14 bị can. Công tác THQCT và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ: tổng số vụ án truy tố chuyển Tòa án có thẩm quyền xét xử: 05 vụ/83 bị can. Đã xét xử 04 vụ/76 bị cáo[21]. Còn lại 01 vụ/07 bị cáo.

4. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

[...]