Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2023 về truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Thành phố Hà Nội năm 2023-2024

Số hiệu 169/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2023
Ngày có hiệu lực 14/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 169/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023 - 2024

Thực hiện Quyết định số 1924/QĐ-BYT ngày 20/4/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch định hướng công tác truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch Hoạt động truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại thành phố Hà Nội năm 2023-2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tăng cường công tác truyền thông các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội về thúc đẩy mạnh mẽ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 góp phần hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Truyền thông về hiệu quả của Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam và thành phố Hà Nội, những nỗ lực cửa các lực lượng chống dịch, sự tham gia, ủng hộ của người dân trong công tác tiêm chung vắc xin phòng COVID-19 nói riêng và phòng dịch COVID-19 nói chung.

- Truyền thông vận động người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành Y tế; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, chú trọng truyền thông thông qua các ứng dụng công nghệ và truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.

- Theo dõi, bám sát tình hình dịch COVID-19 trên Thế giới, tại Việt Nam và thành phố Hà Nội, cung cấp các thông tin khoa học về phòng, chống dịch, tiêm chủng vắc xin COVID-19 hiệu quả, tác dụng của vắc xin để kịp thời xây dựng tài liệu, thông điệp truyền thông, khuyến cáo phù hợp, khoa học, chính xác để thực hiện truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, an toàn.

- Thường xuyên theo dõi thông tin dư luận, báo chí, mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý các tin giả, tin đồn liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Kịp thời phát hiện, nêu gương các cá nhân, tập thể có thành tích, các mô hình vận động có hiệu quả, người dân chủ động tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, qua đó khuyến khích người dân tiếp tục tham gia tiêm chủng.

II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

2. Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm để phòng, chống dịch”; khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành y tế.

- Cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cập nhật xu hướng, khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới, tại Việt Nam và dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hàng năm.

- Truyền thông về nguy cơ, ảnh hưởng của mắc COVID-19 và hội chứng hậu COVID-19 đến bệnh lý nền, sức khỏe, sự phát triển... ở các nhóm đối tượng khác nhau; xu hướng xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; tiêm vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp chiến lược “chủ lực” giúp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả; hiệu quả giảm chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19 của vắc xin phòng COVID-19.

- Năm 2023, tập trung truyền thông vận động các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19; cập nhật thông tin về tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

- Truyền thông Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Thành phố và của các địa phương trên địa bàn Thành phố; đổi mới hình thức, cập nhật các thông điệp, khuyến cáo về vắc xin và lịch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng, các hướng dẫn khi đi tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng... đến các nhóm đối tượng đích.

- Vận động người dân chủ động tham gia hoạt động truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, hỗ trợ ngành y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

3. Truyền thông về công tác cung ứng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn Thành phố.

4. Xây dựng các sự kiện liên quan đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền thông đến các nhóm đối tượng đích.

5. Thực hiện quản trị thông tin, theo dõi thông tin dư luận, báo chí và mạng xã hội, cung cấp thông tin khoa học, kịp thời để phối hợp các cơ quan chức năng phản bác, xử lý tin giả, tin đồn liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định.

6. Nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia Chiến dịch tiêm chủng: tổ chức đào tạo, tập huấn; xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông, các hướng dẫn chuyên môn dành cho cán bộ y tế, cán bộ tiêm chủng.

7. Phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, đạt hiệu quả cao.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG

1. Thời gian thực hiện: từ tháng 04/2023 đến tháng 12/2024.

2. Các hoạt động chủ yếu:

2.1 Xây dựng kế hoạch truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, bố trí nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) để thực hiện đạt hiệu quả.

2.2. Tăng cường truyền thông trên các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố về kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn Thành phố như: xây dựng các tin, bài, phóng sự, chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến...; mời phóng viên các cơ quan báo chí tham gia các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để kịp thời đưa tin, phản ánh kết quả tiêm chủng. Sử dụng các sản phẩm truyền thông của Bộ Y tế (bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...), biên tập phù hợp để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan báo chí Thành phố.

2.3. Truyền thông trên trang thông tin điện tử của Thành phố và các quận, huyện, thị xã và các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) về kế hoạch triển khai tiêm chủng, các khuyến cáo, thông điệp tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 an toàn, đầy đủ, đúng lịch, giải đáp các thắc mắc, câu hỏi của người dân, bác bỏ thông tin sai sự thật, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19; thông qua đăng tải các tài liệu truyền thông của Bộ Y tế cung cấp và đã được hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương như: tin nhắn, bài viết, hình ảnh/infographic, videoclip, audiospot...; tổ chức các chương trình truyền thông, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, giải đáp thắc mắc. Tham gia các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội do Bộ Y tế thực hiện.

[...]