Kế hoạch 2581/KH-UBND năm 2021 về hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 2581/KH-UBND
Ngày ban hành 24/09/2021
Ngày có hiệu lực 24/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2581/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Nhằm cụ thể hóa Chiến lược Phát triển thủy sản Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, với định hướng vùng miền núi phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa, các thủy vực nội đồng, nuôi các loài thủy sản truyền thống và thủy đặc sản có giá trị kinh tế nhằm tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân; khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các đối tượng thủy sản nước lạnh cung cấp cho thị trường nội địa; thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực; phục hồi các hệ sinh thái, các loài thủy sản bản địa, đặc hữu.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

Phát triển thủy sản theo hướng cơ cấu lại sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có thương hiệu và có lợi thế cạnh tranh; đời sống người dân nuôi thủy sản được cải thiện và nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản 3,5 - 5,0%/năm. Tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp 0,8 - 1%.

- Tổng sản lượng thủy sản trên 935 tấn, trong đó sản lượng khai thác 135 tấn, sản lượng nuôi trồng 800 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 438ha, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh 24ha, thể tích lồng nuôi cá trên 20.000m3.

- Xây dựng 02 vùng nuôi thủy sản lồng bè, áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

- 100% các hộ nuôi thủy sản trong lồng thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính về cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

- Cung ứng trung bình trên 2,5 triệu con giống/năm cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh. Chủ động sản xuất, dịch vụ cung ứng 100% giống đến các đối tượng nuôi thủy sản truyền thống là giống sạch bệnh, đảm bảo đáp ứng được 80% nhu cầu giống thủy sản trong tỉnh.

- Đảm bảo hoạt động của lực lượng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện các nhiệm vụ thực thi pháp luật về thủy sản.

- Hằng năm, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường phục vụ cho công tác phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

(chi tiết như phụ lục 1)

2. Mục tiêu đến năm 2045

- Thủy sản tỉnh Cao Bằng phát triển theo hướng bán thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ theo hướng sử dụng các vật liệu bền vững thân thiện với môi trường. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với nòng cốt là doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Đưa phát triển thủy sản lồng bè là một trong những ngành sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân sinh sống gần các thủy vực sông, hồ.

- Phát triển thủy sản nuôi lòng hồ thủy lợi, thủy điện gắn với du lịch sinh thái tại các thủy vực phù hợp.

II. NHIỆM VỤ

1. Về tổ chức, thể chế

- Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý thủy sản từ tỉnh, đến huyện.

- Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thủy sản thông qua các hình thức phát tài liệu, tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác quản lý thủy sản và các đối tượng nuôi thủy sản.

2. Xây dựng các Chương trình, dự án ưu tiên để thúc đẩy phát triển thủy sản: Thông qua việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các đề án, chương trình, dự án hỗ trợ thúc đẩy phát triển thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (chi tiết như phụ lục 2)

3. Tổ chức sản xuất phát triển theo lĩnh vực

3.1. Lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.

- Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Gắn khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản với du lịch sinh thái và xây dựng nông thôi mới.

[...]