Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm ở thủy sản nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 156/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MỘT SỐ DỊCH BỆNH NGUY HIỂM Ở THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030”, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành “Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm ở thủy sản nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2030”, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, tiến tới xây dựng thành công vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) nhằm góp phần phát triển nuôi thủy sản bền vững phục vụ cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm trên tôm giống nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), góp phần đảm bảo diện tích tôm nuôi nước lợ bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi (kết quả giám sát bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm giống nước lợ năm 2020 là 1/88 mẫu tôm sú bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, chiếm 1,14%).

- Chủ động phòng, khống chế các bệnh ở cá tra nuôi, góp phần đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi (kết quả giám sát dịch bệnh trên cá tra nuôi năm 2020 là 1,3% diện tích bị bệnh xuất huyết và gan thận mủ).

- Chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác (cá rô phi, cá diêu hồng, cá chép, tôm càng xanh,…), không để mầm bệnh lây lan rộng.

- Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm và nguy cơ xâm nhiễm của các bệnh mới nổi vào địa bàn thành phố.

- Phối hợp xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản ATDB đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành

a) Tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

b) Áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh

- Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch theo quy định; áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP,...) và các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; định kỳ kiểm tra ao, bể, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, bể, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi,...

- Xem xét, sử dụng vắc xin để chủ động phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản.

c) Tổ chức giám sát chủ động, bị động các tác nhân gây bệnh nguy hiểm (bao gồm cả tác nhân có nguy cơ xâm nhiễm vào địa phương) tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi trọng điểm của địa phương.

- Giám sát chủ động: xây dựng và thực hiện kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản tại các cơ sở, vùng sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm; trong trường hợp mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh thì tiến hành điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh nguy hiểm theo quy định.

- Giám sát bị động: thường xuyên kiểm tra các cơ sở nuôi thủy sản; trường hợp phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh thì lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và kiểm tra các thông số quan trắc môi trường. Tổ chức điều tra dịch tễ và hướng dẫn người nuôi áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý dịch bệnh theo quy định, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Hoạt động giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục qua các năm, bảo đảm tính khoa học nhằm chủ động phát hiện sớm, xác định rõ nguyên nhân và xử lý kịp thời diện tích thủy sản bị dịch bệnh, nhằm hỗ trợ nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất ATDB của địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

d) Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản; xây dựng bản đồ dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh.

đ) Kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật thủy sản

- Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật thủy sản theo quy định; thủy sản sử dụng làm giống lưu thông trong phạm vi thành phố, cần có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

- Tổ chức giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản sử dụng làm giống theo quy định và khi lưu thông trên địa bàn thành phố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

e) Kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản lưu thông trên địa bàn thành phố.

[...]