Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030"

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 04/08/2021
Ngày có hiệu lực 04/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 04 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH THÚ Y THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2030”, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y thành phố Cần Thơ, đảm bảo tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thú y, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế; triển khai thực hiện tất cả các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật, phòng chống kháng kháng sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả.

b) Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố, sắp xếp và nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

c) Tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả hệ thống giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật, không để các bệnh nguy hiểm xảy ra thành dịch; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và công nhận an toàn dịch bệnh, ATTP.

d) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thành phố về kiểm dịch động vật, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

đ) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật như: kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật tại gốc trước khi xuất đạt trên 95%; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đạt trên 95%; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung theo phương thức giết mổ bán công nghiệp đạt khoảng 50% và công nghiệp đạt 30% vào năm 2025; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 15% đến 25%.

e) Nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y: bán buôn, sử dụng thuốc thú y, kháng sinh và dịch vụ thú y (kiểm tra và quản lý 100% cơ sở bán buôn thuốc thú y, thuốc thủy sản, cơ sở tiêm phòng, khám chữa bệnh, phẫu thuật và chăm sóc động vật trên địa bàn thành phố).

g) Phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực thú y và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm động vật thế mạnh của Việt Nam, của thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y

a) Rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống QPPL, cơ chế, chính sách về thú y; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về thú y thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố, bảo đảm triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thú y có hiệu lực, hiệu quả (hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh động vật, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn).

b) Tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thi hành Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và rà soát, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật liên quan.

2. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp

a) Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thành phố Cần Thơ theo quy định của Luật Thú y, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ và phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội nhưng vẫn bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

b) Biên chế công chức trong cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành thú y được tăng cường trên cơ sở vị trí việc làm được xây dựng và phê duyệt, đáp ứng yêu cầu của Đề án ngành thú y đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và quy định của pháp luật.

3. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật

a) Tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh động vật như: Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030.

Song song đó, căn cứ tình hình dịch bệnh tại các địa phương và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố ban hành các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố và chỉ đạo các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện và bổ sung kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các nội dung cụ thể cho các Chương trình, Kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

b) Căn cứ Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật giai đoạn, hàng năm cụ thể hóa các kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố phù hợp với thực tiễn và dự toán kinh phí thực hiện:

- Tổ chức theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh động vật, nhất là vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, những khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy gia súc, gia cầm và thủy sản bệnh chết, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

- Tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh ngoại lai, bệnh nguy hiểm trên động vật; bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và nâng cấp hệ thống thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ và ứng dụng để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới.

[...]