Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 224/KH-UBND
Ngày ban hành 23/07/2021
Ngày có hiệu lực 23/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Trí Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH THÚ Y CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030; Công văn số 2173/BNN-TY ngày 14/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với thực tiễn; đồng thời, tăng cường năng lực quản lý, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thực tiễn, phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Hệ thống giám sát dịch bệnh động vật các cấp được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; đảm bảo 100% các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm được phát hiện sớm và xử lý, không để lây lan rộng; 100% gia súc, gia cầm vận chuyển xuất Tỉnh được kiểm dịch tại gốc; 100% gia súc, gia cầm nhập về chăn nuôi thuộc chương trình, dự án được kiểm tra, cách ly, tiêm phòng theo quy định; 100% giống thuỷ sản xuất Tỉnh đều được kiểm dịch và 100% giống thuỷ sản nhập vào Tỉnh trước lúc thả nuôi đều được kiểm soát.

- Thực hiện truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn Tỉnh; trong đó, tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu của Tỉnh về kiểm dịch động vật, hệ thống nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật được thiết lập theo quy định vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Năng lực quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến địa phương được tăng cường; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030, giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc nghiêm trọng do thực phẩm có nguồn gốc động vật.

- Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật, trong đó chú trọng kiểm dịch biên giới, cửa khẩu; bảo đảm hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong công tác kiểm soát nguồn gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến cung cấp ra vào Tỉnh.

- Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất và có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), cơ chế, chính sách ngành thú y

- Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác triển khai, thi hành Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y tại địa phương.

- Đánh giá kết quả thực hiện việc tuyển dụng nhân viên thú y tại xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết số 317/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng Nhân dân Tỉnh về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quy định về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khóm thuộc tỉnh Đồng Tháp ban hành kèm theo Nghị quyết số 260/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội đồng nhân dân Tỉnh; Công văn số 243/UBND-TCD-NC ngày 14/5/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc tuyển dụng nhân viên thú y tại xã, phường, thị trấn; Công văn số 938/SNV-CCCQ ngày 15/5/2020 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 317/2020/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Tỉnh.

2. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp ở địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thực tiễn, phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời.

3. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người

- Hàng năm, tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản nuôi nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy gia súc, gia cầm, thuỷ sản bệnh chết, vứt xác động vật, thuỷ sản chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

- Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh; cần có Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh động vật, thuỷ sản cho cơ quan chuyên môn thú y địa phương.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, các quy định của pháp luật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bệnh động vật, thuỷ sản.

- Định kỳ hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về dịch tễ học, giám sát, điều tra, ứng phó dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ và một số kỹ năng khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản (nhất là phòng chống dịch bệnh trên tôm, cá tra),... cho cán bộ làm công tác thú y thuỷ sản của địa phương.

- Tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, nhất là đối với các dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi của địa phương, bao gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và nâng cấp hệ thống thu thập, quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu số (về nuôi trồng thuỷ sản, dịch bệnh, quan trắc môi trường,...), phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh; tổ chức xây dựng bản đồ dịch tễ và ứng dụng để kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn.

- Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021”; Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025”. Trong đó, chú trọng thực hiện một số nội dung chính sau:

+ Nâng cao năng lực giám sát chủ động và bị động trong kiểm soát dịch bệnh; đặc biệt từng bước tiếp cận tốt thuật ngữ giám sát theo sự kiện trong thú y và y tế cộng đồng.

+ Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

[...]