Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2022 thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (phiên bản 1.0)

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 03/10/2022
Ngày có hiệu lực 03/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 03 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH (PHIÊN BẢN 1.0)

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (phiên bản 1.0), cụ thể như sau:

I. Mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (phiên bản 1.0)

1. Quan điểm

- Mô hình chuyển đổi số cấp xã bao gồm 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở cấp xã, được cụ thể hóa thông qua các nhóm chỉ tiêu để làm căn cứ, cơ sở, định hướng triển khai thực hiện chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đáp ứng mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, có khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, chất lượng hơn, ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, phát huy tối ưu các nguồn lực sẵn có; nâng cao kỹ năng số cho người dân, mở rộng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, công nghệ số, giúp người dân tương tác với chính quyền được thuận lợi hơn, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của địa phương trên môi trường số.

2. Mục tiêu chung

- Đến hết năm 2024, thực hiện chuyển đổi số cho 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó:

+ Năm 2022 và hết Quý 2 năm 2023: Thực hiện chuyển đổi số cho 20% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn mỗi huyện, thành phố (không bao gồm 13 xã triển khai thí điểm năm 2021 và xã Yên Hòa, huyện Yên Mô);

+ Đến hết năm 2023: Thực hiện chuyển đổi số cho 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn mỗi huyện, thành phố;

+ Đến hết năm 2024: Hoàn thành chuyển đổi số cho 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Quá trình triển khai thực hiện phải phát huy tối đa những kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, vào cuộc của tất cả lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và chính quyền các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành mô hình Chuyển đổi số cấp xã.

- Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đảm bảo thiết thực, hiệu quả để thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cách thức, phương thức làm việc của cán bộ, công chức tại cấp xã, an toàn, hiệu quả trên môi trường số; cung cấp, phát triển các dịch vụ thông minh, tiện ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các hoạt động trên môi trường số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Chú trọng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đảm bảo các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

3. Mục tiêu cụ thể

Thực hiện theo mô hình Chuyển đổi số cấp xã, phiên bản 1.0, bao gồm các nhóm chỉ tiêu:

- Nhóm “Đào tạo, chuyển đổi nhận thức”: 02 chỉ tiêu;

- Nhóm “Hạ tầng số”: 05 chỉ tiêu;

- Nhóm “Đảm bảo an toàn thông tin mạng”: 04 chỉ tiêu;

- Nhóm “Chính quyền số”: 09 chỉ tiêu;

- Nhóm “Kinh tế số”: 02 chỉ tiêu;

- Nhóm “Xã hội số”: 04 chỉ tiêu.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)

II. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

(Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo)

III. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong ngân sách nhà nước của cấp huyện, cấp xã theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan; các nguồn kinh phí xã hội hóa, hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

[...]