Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chương trình hành động 32-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 16/09/2013
Ngày có hiệu lực 16/09/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 8
Người ký Nguyễn Thị Ngọc Bích
Lĩnh vực Bảo hiểm

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Quận 8, ngày 16 tháng 9 năm 2013

 

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 32-CTRHĐ/TU NGÀY 08 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA THÀNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2012 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8

Thực hiện công văn chỉ đạo số 832-CV/QU của Quận ủy Quận 8 ngày 12 tháng 6 năm 2013 về việc cụ thể hóa Chương trình hành động số 32-CTrHĐ/TU về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Quận 8,

Ủy ban nhân dân Quận 8 triển khai kế hoạch thực hiện về công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn Quận 8 với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

a) Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; giải quyết và chi trả chính xác, hiệu quả, kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; góp phần quản lý có hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn và quản lý, cân đối được Quỹ bảo hiểm y tế; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài.

b) Xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm thất nghiệp), bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, phát triển đồng bộ với các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đảm bảo đời sống, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

c) Tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế về tỉ lệ dân số tham gia (trong đó, đặc biệt lưu ý đến đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm kinh tế cá thể tham gia bảo hiểm y tế theo Luật), về dịch vụ y tế được thụ hưởng tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu đến năm 2015, có 65% lực lượng lao động quận tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt từ 85% trở lên so với số người thuộc diện phải tham gia, có 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

b) Phấn đấu đến năm 2020, có 85% lực lượng lao động quận tham gia bảo hiểm xã hội, ít nhất 90% người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia, có 37% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

c) Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân theo các nhóm đối tượng, đến cuối năm 2015 tỷ lệ tham gia đạt 76% dân số của quận. Cụ thể như sau:

- Nhóm 1: tỷ lệ tham gia đạt 85%, bao gồm:

+ Người lao động, người quản lý doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Khoản 1, Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân.

+ Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

- Nhóm 2: tỷ lệ tham gia đạt 100%, gồm có:

+ Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

+ Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước.

+ Cán bộ phường, xã, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

+ Cán bộ phường, xã, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước hàng tháng bao gồm các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) và Quyết định số 111/HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Chính phủ.

+ Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

+ Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước theo quy định tại khoản 6, Điều 5 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

+ Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước là các đối tượng quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng là các đối tượng quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

+ Thân nhân của người có công với cách mạng thực hiện theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

+ Thân nhân của các đối tượng quy định tại Điểm a, b Khoản 16, Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

[...]