Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 162/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2022
Ngày có hiệu lực 10/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (HIỆP ĐỊNH RCEP) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC TIÊU

- Triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

- Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

- Phổ biến thông tin tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Thành phố thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định RCEP.

- Chú trọng tập huấn cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả về các quy định và cam kết của Hiệp định RCEP theo từng chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể cụ thể như: Thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại...

- Xây dựng, phát hành tài liệu tuyên truyền về Hiệp định RCEP: (1) Phát hành bản tin Hà Nội hội nhập và phát triển; (2) Phát hành Bản tin Thị trường các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Hà Nội; (3) Xây dựng và phát hành ấn phẩm tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, các cơ hội và thách thức khi tham gia hợp tác kinh tế ASEAN và đối tác của ASEAN; thông tin thị trường các nước ASEAN...

- Thiết lập đầu mối thông tin về RCEP tại Sở Công Thương để cung cấp, tiếp nhận thông tin về các vấn đề có liên quan đến Hiệp định, giải đáp theo thẩm quyền hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền trả lời.

- Thường xuyên cung cấp các thông tin về chính sách xuất nhập khẩu của các nước tham gia Hiệp định RCEP, các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại, xác minh nguồn hàng, đối tác,...để doanh nghiệp kịp thời hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định RCEP.

- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định RCEP.

- Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP

- Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường; Tiếp tục thực hiện các Đề án của Thành phố: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Tăng cường hỗ trợ khoa học - công nghệ và sáng tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhằm tạo ra công nghệ sản xuất mới, thúc đẩy việc tạo ra những sản phẩm mới và hỗ trợ đưa sản phẩm mới ra thị trường trong nước và quốc tế.

- Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP; phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

- Thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia Hiệp định RCEP: Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia Hiệp định RCEP (Nhật Bản, Hàn Quốc,...); tham gia sự kiện quốc tế, hội chợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia Hiệp định RCEP; tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến về doanh nghiệp, ngành hàng, thị trường, công nghiệp hỗ trợ, thương mại dịch vụ, du lịch,...; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong các hoạt động xúc tiến;...

- Đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp, nghiên cứu và khai thác thị trường thành viên; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp: Tích cực tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp: Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) trên địa bàn Thành phố; Chương trình trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội;...

- Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp; thông qua các hiệp hội nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra định hướng cho các doanh nghiệp đổi mới văn hóa sản xuất, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở những nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng dự toán kinh phí từ nguồn chi nghiệp vụ hàng năm của Sở, ngành, đơn vị. Định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hàng năm gửi báo cáo cho Sở Công Thương để tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố. Bộ Công Thương.

2. Sở Tài chính bố trí kinh phí, đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

[...]