Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 219/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực của tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 219/KH-UBND
Ngày ban hành 06/10/2022
Ngày có hiệu lực 06/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Lê Quốc Anh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 06 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC CỦA TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực;

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP);

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực của tỉnh Kiên Giang với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang một cách đồng bộ và hiệu quả.

Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành tỉnh, địa phương trong việc triển khai Hiệp định RCEP cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiểu về tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định RCEP đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan tổ chức liên quan; các biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định RCEP trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo thực thi các cam kết và tận dụng tốt các cơ hội của Hiệp định RCEP để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ và phát huy tính chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên rà soát, bảo đảm thực thi nghiêm túc các nội dung theo các quyết định, hướng dẫn, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và phù hợp với nguồn lực của tỉnh; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc để đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định RCEP cũng như chủ trương, chính sách liên quan trên địa bàn tỉnh.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

Tăng cường phổ biến về Hiệp định RCEP cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như: cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan quản lý địa phương, hợp tác xã, công nhân, các thành phần lao động khác bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định RCEP.

Chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm công, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... đảm bảo các doanh nghiệp và các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp cho việc tận dụng và thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

Cập nhật, tiếp nhận thông tin về Hiệp định RCEP từ Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để cung cấp thông tin đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cập nhật kịp thời và cung cấp thông tin, dự báo về thị trường xuất, nhập khẩu và thị trường trong nước của các cơ quan Nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt về các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định RCEP.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức phù hợp, đẩy mạnh sử dụng môi trường kỹ thuật số hoặc đăng tải thông tin, tài liệu trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tính tương tác, hiệu quả, tiết kiệm.

2. Công tác hoàn thiện pháp luật, thể chế

Thường xuyên rà soát các văn bản, chủ trương, chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến Hiệp định RCEP để kịp thời tham mưu ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với thực tế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP

Hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân; đồng thời, thông tin những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định RCEP.

Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam; tiếp tục thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút nguồn vốn từ các nước thành viên Hiệp định RCEP vào những lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh của tỉnh, tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại; học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý và triển khai thực hiện Hiệp định.

[...]