Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2022
Ngày có hiệu lực 28/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Lê Quang Tiến
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Thái nguyên, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (HIỆP ĐỊNH RCEP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phế duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP); sau khi xem xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 292/TTr-SCT ngày 28/01/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nghiên cứu triển khai có hiệu quả nội dung của Hiệp định RCEP, nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, hợp tác xã và các thành phần lao động về Hiệp định RCEP.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai Hiệp định RCEP; tạo cơ sở đcác cấp, các ngành, địa phương chủ động triển khai Hiệp định RCEP phù hợp với tình hình thực tế.

2. Yêu cầu

- Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và khai thác có hiệu quả Hiệp định RCEP trên địa bàn tỉnh.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan chủ động triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và phạm vi quản lý của địa phương, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

- Phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định RCEP cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như: Cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý nhà nước, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP.

- Đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực như: Đầu tư, thương mại, dịch vụ, hải quan, thuế, mua sắm công, sở hữu trí tuệ v.v... bảo đảm các doanh nghiệp và các cán bộ thuộc cơ quan nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực hiện Hiệp định đầy đủ và hiệu quả.

- Về đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP giao Sở Công Thương cung cấp thông tin về các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định.

- Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các doanh nghiệp Thái Nguyên có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước trong Hiệp định RCEP gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc.

- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở một số ngành trên địa bàn trong việc tận dụng Hiệp định RCEP.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định RCEP.

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh ban hành để chủ động triển khai thực hiện; đồng thời, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định RCEP.

- Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong Hiệp định RCEP.

- Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

- Sở Công Thương làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định được hiệu quả.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam; thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, thông tin và hạ tầng khu, cụm công nghiệp, logistics; tăng cường liên kết giữa các địa phương tạo chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định RCEP. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

[...]