Kế hoạch 152/KH-UBND về nâng cao Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024

Số hiệu 152/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2024
Ngày có hiệu lực 13/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2024

Ngày 10/4/2024, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 273/QĐ-BNV phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 86,44 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố (giảm 32 bậc so với năm 2022).

Để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện nghiêm túc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ giai đoạn 2021-2030; Bám sát nội dung, tiêu chí đánh giá theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2030.

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nội dung cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định số 273/QĐ-BNV ngày 10/4/2024 của Bộ Nội vụ phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời duy trì và phát huy các nội dung của Chỉ số cải cách hành chính được đánh giá đạt điểm tối đa hoặc có thứ hạng cao.

- Phấn đấu, năm 2024 chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 10/3/2023 của BTV Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 04/3/2022 của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 2866/QĐ-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1204/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 và các văn bản khác liên quan đến công tác cải cách hành chính.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền quản lý. Nội dung của kế hoạch phải tập trung đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, điểm yếu; đồng thời tiếp tục phát huy điểm mạnh được chỉ ra qua kết quả đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2024.

- Nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác cải cách hành chính. Phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong năm 2024.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành: Năm 2023: Đạt 8,82 điểm/9,5 điểm tối đa (đạt tỷ lệ 92,81%), xếp vị trí thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 08 bậc so với năm 2022. Mục tiêu phấn đấu năm 2024: đạt điểm tối đa theo thang điểm đánh giá (9,5 điểm) và thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố đứng đầu.

1.1. Các nhiệm vụ công tác chỉ đạo điều hành

Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, các nội dung về: Kiểm tra cải cách hành chính; Đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; Công tác tuyên truyền cải cách hành chính; Đối thoại của Lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Nội dung, nhiệm vụ theo Phụ lục gửi kèm).

1.2. Nhiệm vụ trọng tâm

- Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh (Giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực, tham mưu với UBND tỉnh).

- Đẩy mạnh việc đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính; tập trung triển khai, nhân rộng những mô hình, sáng kiến có hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính. Phấn đấu, năm 2024 có ít nhất 3 sáng kiến lớn được Hội đồng thẩm định đánh giá mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính (Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tham mưu).

- Hoàn thành 100% nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đúng thời hạn và chất lượng (Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc).

- Kiểm tra việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, thanh tra tỉnh, Sở tư pháp triển khai, đôn đốc, kiểm tra; các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện).

2. Cải cách thể chế: Năm 2023: Đạt 8,53 điểm/10 điểm tối đa (đạt tỷ lệ 85,35%), xếp vị trí thứ 62/63 tỉnh, thành phố, giảm 16 bậc so với năm 2022; Trong đó: điểm tự đánh giá đạt 5,14 điểm (tối đa: 6 điểm), điểm điều tra xã hội học đạt 3,5 điểm (tối đa: 4 điểm). Mục tiêu phấn đấu năm 2024: điểm tự đánh giá đạt điểm tối đa (6 điểm); điểm điều tra xã hội học đạt tối thiểu 3,39 điểm (tỷ lệ hài lòng đạt trên 90%) và thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố đứng đầu.

2.1. Các nhiệm vụ cải cách thể chế

Thực hiện đúng quy định các hoạt động về theo dõi thi hành pháp luật; Xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật; Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị; nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (Nội dung, nhiệm vụ theo Phụ lục gửi kèm).

2.2. Nhiệm vụ trọng tâm

- Thực hiện công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngừng hiệu lực theo đúng quy định; thực hiện tốt việc giải trình và cung cấp tài liệu kiểm chứng đảm bảo theo yêu cầu (Giao Sở Tư pháp chủ trì, thực hiện).

- Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính hợp lý và khả thi; Kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả trong việc xin ý kiến đóng góp vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định mới của pháp luật sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân (Giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu và theo dõi; các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện).

[...]