Quyết định 876/QĐ-BNV năm 2022 phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 876/QĐ-BNV
Ngày ban hành 10/11/2022
Ngày có hiệu lực 10/11/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 876/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG” GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030 (sau đây gọi tắt tiếng Việt là Chỉ số CCHC, tiếng Anh là PAR INDEX), với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

- Đánh giá định lượng, kết hợp với định tính; đánh giá kết quả cải cách hành chính với tác động của cải cách hành chính; kết hợp đánh giá bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá bên ngoài của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

- So sánh, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhận rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính hàng năm.

2. Yêu cầu

a) Chỉ số CCHC bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các bộ, các tỉnh. Phương pháp đánh giá khoa học, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ.

b) Việc xác định Chỉ số CCHC phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các bộ, các tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan, công bằng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

c) Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

d) Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, từng bước ổn định trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương.

đ) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao tính công khai, minh bạch và khách quan trong công tác theo dõi, đánh giá.

e) Hàng năm tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh.

3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh:

Công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

b) Đối tượng áp dụng:

- 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại.

[...]