Kế hoạch 2205/KH-UBND về Cải thiện và nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Lai Châu năm 2024

Số hiệu 2205/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2024
Ngày có hiệu lực 11/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2205/KH-UBND

Lai Châu, ngày 11 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH (PAR INDEX), CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC (SIPAS) TỈNH LAI CHÂU NĂM 2024

Theo kết quả do Bộ Nội vụ công bố ngày 17/4/2023[1]. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu năm 2023 đạt 85,78 điểm, giảm 0,51 điểm so với năm 2022, xếp vị trí thứ 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 25 hạng so với năm 2022; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 79,82%, tăng 0,48% so với năm 2022, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 hạng so với năm 2022.

Để cải thiện và nâng cao kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lai Châu năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và mục tiêu của Kế hoạch số 2943/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch số 5108/KH-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lai Châu năm 2024, Kế hoạch số 340/KH-UBND ngày 25/01/2024 của UBND tỉnh Lai Châu tuyên truyền công tác cải cách hành chính nhà nước tỉnh Lai Châu năm 2024

- Duy trì và nâng cao kết quả những tiêu chí, tiêu chí thành phần có điểm số cao; khắc phục những tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm hoặc có điểm số thấp.

- Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, rà soát các tiêu chí/tiêu chí thành phần để tiếp tục duy trì những tiêu chí/tiêu chí thành phần điểm cao, cải thiện, nâng cao các tiêu chí/tiêu chí thành phần chưa đạt điểm hoặc đạt điểm không cao.

- Bám sát các tiêu chí đánh giá Chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ ban hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về cải cách hành chính để chủ động triển khai thực hiện; phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả”, rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm thực hiện. Bố trí đủ nguồn lực và có các giải pháp triển khai cụ thể để đảm bảo tính thực tiễn, khả thi của Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU CHỈ SỐ PAR INDEX, SIPAS NĂM 2024

1. Mục tiêu chung: phấn đấu năm 2024, Chỉ số PAR INDEX đạt từ 86% điểm trở lên, Chỉ số SIPAS đạt trên 81,5%, tăng từ 3-5 hạng so với năm 2023.

2. Mục tiêu các chỉ số thành phần

STT

Chỉ số thành phần

Kết quả năm 2023

Mục tiêu năm 2024

Đơn vị thực hiện/theo dõi

Chỉ số[2]

Thứ hạng[3]

Chỉ số

Thứ hạng

1

Công tác chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính

99,32%

19

Trên 99%

16-19

Các Sở: Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh

2

Cải cách thể chế

93,56%

34

Trên 94%

30-34

Sở Tư pháp

3

Cải cách thủ tục hành chính

99,77%

7

Trên 99%

5-7

Văn phòng UBND tỉnh

4

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

93,37%

13

Trên 93%

10-13

Sở Nội vụ

5

Cải cách chế độ công vụ

82,76%

39

Trên 83%

36-39

Sở Nội vụ

6

Cải cách tài chính công

78,76%

57

Trên 78%

54-57

Sở Tài chính

7

Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số

85,03%

28

Trên 86%

25-28

Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Văn phòng UBND tỉnh chủ trì thực hiện theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá

8

Tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

44,46%

62

Trên 60%

55-60

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

 

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)

79,82%

50

Trên 81,5%

45-50

Các sở, ban, ngành, địa phương (Sở Nội vụ theo dõi)

Tổng cộng

85,78%

49

Trên 86%

43-48

 

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2024

1. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả, phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về cải cách hành chính.

2. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của của các sở, ngành, địa phương. Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh.

3. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đồng bộ. Chủ động rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; gắn việc số hóa, tái sử dụng dữ liệu với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Sử dụng Bộ chỉ số Chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ) làm công cụ để chỉ đạo, điều hành việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

5. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng tiêu chí theo quy định. Chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc việc phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, ngạch công chức chức, danh nghề nghiệp viên chức, trình độ đào tạo cho phù hợp.

7. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính - ngân sách; báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị gửi cơ quan tài chính đảm bảo nội dung, thời gian theo quy định.

8. Rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn - rào cản nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

9. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN (Theo phụ lục đính kèm)

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm thực hiện, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh chủ động tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) kết quả thực hiện kế hoạch trước ngày 15/12/2024. Quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) xem xét, giải quyết./.

[...]