Kế hoạch 147/KH-UBND năm 2023 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Số hiệu 147/KH-UBND
Ngày ban hành 04/07/2023
Ngày có hiệu lực 04/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 147/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 938/BKHCN-KHTC ngày 06/4/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn bổ sung kế hoạch khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2025, xây dựng kế hoạch KHCN và ĐMST và dự toán ngân sách KH&CN năm 2024; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch KHCN và ĐMST và dự toán ngân sách KH&CN tỉnh Lạng Sơn năm 2024 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KHCN & ĐMST, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2022 VÀ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2023.

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KHCN và ĐMST năm 2022, 06 tháng đầu năm 2023 và ước thực hiện 06 tháng cuối năm 2023

1. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ

1.1. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia

Đã triển khai thực hiện 04 đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, trong đó 03 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi; 01 đề tài KH&CN cấp thiết địa phương. Các đề tài, dự án đang triển khai thực hiện đã mang lại một số kết quả bước đầu như quy trình trồng, sản xuất Na bền vững, kỹ thuật chăn nuôi Ngựa Bạch,… đang phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sản xuất nông nghiệp.

1.2. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Trong kỳ triển khai thực hiện 60 đề tài dự án, trong đó: 28 đề tài dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn 25; lĩnh vực y dược: 04; lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ 03, cụ thể:

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: tập trung Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương; nghiên cứu thử nghiệm đối với các giống cây trồng mới... như: hồng, sở, đào chuông, trà hoa vàng, lan kim tuyến,...[1]; các nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen cây trồng và dược liệu; các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh[2].

- Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: tập trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực dạy học, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phát huy giá trị lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch; nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, công tác phòng chống tham nhũng, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn...

- Lĩnh vực y dược: tập trung vào các nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh tại Lạng Sơn; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh[3].

- Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ: tập trung nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, xây dựng các mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng, cải tiến thiết bị phục vụ chế biến sau thu hoạch[4].

2. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL)

Tham mưu ban hành Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, theo đó đã tổ chức triển khai 06 dự án hỗ trợ 62 doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng suất và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua việc nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; xây dựng, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; áp dụng mã số mã vạch.

Tăng cường quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh như: các sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn, xăng dầu, bánh trung thu, đồ chơi trẻ em,... Thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm hoa hồi đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh. Duy trì, áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; tập trung vào tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, năng lực cho cán bộ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận bản công bố hợp chuẩn, bản công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác sở hữu trí tuệ

Tiếp tục thực hiện Đề án triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về SHTT, hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Trong kỳ báo cáo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức về SHTT hướng về cơ sở với hơn 350 lượt người tham dự; hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT cho 21 sản phẩm (trong đó 09 sản phẩm đã được bảo hộ quyền SHTT).

4. Công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ thực hiện các thủ tục hành chính mức độ 4 trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử[5]. Thực hiện rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Công tác đào tạo, tập huấn tập trung vào thông tin, phổ biến kiến thức về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cho lực lượng ứng phó sự cố cấp tỉnh, đào tạo kiến thức về an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ. Phê duyệt nhiệm vụ: Kiểm soát, cập nhật bản đồ phông phóng xạ và đánh giá an toàn bức xạ các điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện các thủ tục mua sắm mới các trang thiết bị để đưa vào hoạt động Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lạng Sơn.

5. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH, CN & ĐMST

Tỉnh đã phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức KHCN; tăng cường giao lưu trao đổi, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; tập trung vào việc tìm tòi, lựa chọn các công nghệ phù hợp với khả năng và điều kiện của tỉnh để tiếp nhận và chuyển giao.

6. Công tác thông tin, thống kê KH&CN

Lĩnh vực thông tin và thống kê KH&CN trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ và kịp thời theo quy định. Trong kỳ thực hiện cấp 16 Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; thường xuyên cập nhật thông tin các nhiệm vụ KH&CN lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN; tuyên truyền, thông tin về KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài, trang mạng xã hội; ứng dụng các công nghệ mới và công tác truyền thông khoa học, công nghệ. Duy trì vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng báo cáo thống kê ngành KHCN theo quy định.

7. Công tác quản lý công nghệ

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý về công nghệ và hoạt động chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Trong kỳ báo cáo có 34 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được tham gia có ý kiến về công nghệ. Hoạt động đánh giá, thẩm định các dự án đầu tư đã góp phần hạn chế và sàng lọc được các thiết bị công nghệ lạc hậu, lỗi thời, công nghệ có khả năng gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cấm chuyển giao đầu tư trên địa bàn tỉnh.

[...]