Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2023
Ngày có hiệu lực 01/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẪNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 01 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP NHẰM PHỤC HỒI NHANH KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 06/NQ-CP), UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động (TTLĐ) linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; thực hiện phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

b) Nâng cao chất lượng quản lý và điều tiết phát triển TTLĐ hiện đại, linh hoạt và hiệu quả; quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động yếu thế; duy trì việc làm, chuyển đổi ngành nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.

c) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho nhu cầu của xã hội và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Yêu cầu

a) Đẩy mạnh việc đổi mới hình thức đào tạo, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước về đào tạo; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách về việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của TTLĐ để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của TTLĐ.

c) Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cơ hội việc làm có chất lượng và bền vững cho người lao động, giảm thiểu thất nghiệp, phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của TTLĐ được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành TTLĐ được nâng cao. TTLĐ đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ các nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025

a) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%.

b) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm[1].

c) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 61%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động[2].

d) Phấn đấu hạ tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức không quá 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 5%

đ) Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50,35%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm ít nhất 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 42,75% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Rà soát, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm:

a) Tăng cường sự công khai, minh bạch các chủ thể tham gia TTLĐ, liên kết TTLĐ của thành phố với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tế để tăng cường kết nối việc làm, nâng cao chất lượng lao động, hạn chế thất nghiệp.

b) Đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển TTLĐ linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin TTLĐ, điều phối, hỗ trợ và quản trị TTLĐ trên địa bàn thành phố.

c) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành TTLĐ và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về TTLĐ, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động dễ tiếp cận nguồn cung lao động.

d) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên nhằm cung cấp nhân lực cho thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

đ) Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển TTLĐ ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[...]