Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Cần Thơ đến năm 2025

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 26/09/2023
Ngày có hiệu lực 26/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thực Hiện
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ-CP NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP NHẰM PHỤC HỒI NHANH KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập tại các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc diêm tùng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; trong đó, triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hiệu quả; tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.

3. Xây dựng chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm, hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động.

4. Phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng quá trình công nghiệp hóa đất nước; đẩy mạnh việc đổi mới hình thức đào tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về đào tạo; có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.

5. Nhà nước tạo dựng cơ chế đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025:

a) Tỷ lệ lao động nông nghiệp của thành phố chiếm tỷ lệ là 19,39% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố;

b) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm;

c) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động;

d) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%;

đ) Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện khung pháp lý, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm

a) Tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường lao động. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước;

b) Đầu tư phát triển hiện đại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm tăng cường hiệu quả cung ứng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động dễ tiếp cận cung lao động;

c) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

d) Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Phục hồi và ổn định thị trường lao động

a) Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực trên địa bàn thành phố để kịp thời kết nối, cung ứng lao động; đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào thành phố;

b) Tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đóng vai trò hạt nhân và dẫn dắt trong việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng tương lai;

[...]