Kế hoạch 14/KH-UBND năm 2022 về Ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 14/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2022
Ngày có hiệu lực 19/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 19 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch Ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất và đời sống, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

II. NHIỆM VỤ

1. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Ứng dụng CNSH trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh, cụ thể:

+ Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng nông nghiệp có đặc tính ưu việt, sạch bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp thổ nhưỡng của tỉnh, nhất là các giống cây mà tỉnh có khả năng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

+ Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản, đặc biệt là công nghệ sản xuất, bảo quản tinh đông lạnh và phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo ra các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường; sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.

+ Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất, cung cấp giống thủy, hải sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực nghiệm các phương pháp sinh sản nhân tạo và đưa vào sản xuất đại trà khi có điều kiện đối với một số loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sử dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nuôi, chế biến thức ăn thủy sản, phòng trừ dịch bệnh.

- Ứng dụng các kỹ thuật CNSH hiện đại, các bộ KIT chẩn đoán nhanh …v.v trong chẩn đoán và phát hiện nhanh các bệnh dịch nguy hiểm trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh.

- Ứng dụng CNSH hiện đại trong sản xuất và canh tác các giống cây trồng, cây lâm nghiệp, nấm, vật nuôi và các giống thủy sản sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; áp dụng rộng rãi các quy trình sản xuất an toàn sinh học.

- Ứng dụng CNSH trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất như phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

- Ứng dụng công nghệ vi sinh, enzym và protein sản xuất các chế phẩm sinh học dùng trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cải tạo đất.

2. Lĩnh vực bảo tồn gen và đa dạng sinh học

- Tăng cường ứng dụng CNSH trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Bảo tồn Bình Châu Phước Bửu và các Khu bảo tồn vùng nước thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả CNSH trong công tác sưu tầm, lưu giữ, khai thác và phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm trên địa bàn tỉnh; xác lập các giống cây trồng vật nuôi đặc sản, các loại dược liệu bản địa có giá trị cao, xây dựng mô hình nuôi trồng thực nghiệm để làm cơ sở cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu, đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.

3. Lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm và thủy sản

Tăng cường đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng CNSH trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông, lâm và thủy sản chủ lực của tỉnh, cụ thể:

- Xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng CNSH trong bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản chủ lực của tỉnh để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

- Ứng dụng CNSH vào trong quá trình bảo quản, sơ chế thủy sản khai thác trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của thủy sản khai thác.

- Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia, các chất màu tự nhiên để bảo quản và chế biến nông, thủy sản.

- Nghiên cứu chiết hợp chất có hoạt tính sinh học có nguồn gốc từ biển như tảo biển, rong biển làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và đời sống; phục vụ cho bảo quản và nâng cao chất lượng các sản phẩm khai thác từ biển.

- Chuyển giao, ứng dụng các chế phẩm vi sinh, enzyme và protein phục vụ cho công nghệ chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

- Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các thành tựu mới của CNSH vào trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới để sản xuất kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực do CNSH trong lĩnh vực công nghệ chế biến tạo ra.

- Hình thành, phát triển các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng CNSH; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao CNSH để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.

[...]