Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 135/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2024
Ngày có hiệu lực 29/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Văn Thiều
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 29 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch thực hiện, với các nội dung như sau:

I. YÊU CẦU

- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nhất quán với việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh được xác định trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ và cơ sở hiện trạng, tiềm năng giá trị của rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời là căn cứ để các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vai trò, giá trị đa dụng của rừng, từ đó thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng trong đời sống nhân dân, tạo động lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng trồng mới. Đáp ứng yêu cầu chức năng đặc dụng, phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển các mô hình sản xuất lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon rừng.

- Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác giá trị của cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển được phê duyệt.

- Thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người sống ở khu vực có rừng; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 50% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động canh tác, sản xuất, dịch vụ lâm nghiệp đến năm 2030 tăng gấp 1,2 lần và đến năm 2050 tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập tại thời điểm năm 2024.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp; từng bước nâng mức thu nhập cho người lao động.

III. NHIỆM VỤ

1. Bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững:

- Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có 5.598,94 ha ha (Diện tích rừng trong quy hoạch 03 loại rừng: 4.619,17 ha và Diện tích rừng ngoài quy hoạch cho 03 loại rừng: 979,77 ha).

- Trồng rừng phòng hộ trên diện tích bãi bồi ven biển thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch/Phương án trồng cây phân tán trên các tuyến đường giao thông nông thôn, trụ sở các cơ quan, trường học...

- Chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng mới trồng.

- Xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp với diện tích 3,0 ha nhằm chủ động được nguồn giống trồng rừng hàng năm.

- Lựa chọn loài cây trồng phù hợp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện thâm canh rừng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.

- Chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt... các loài chim hoang dã, di cư và giăng lưới bẫy chim trên bãi bồi rừng phòng hộ ven biển.

[...]