Kế hoạch 11280/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 11280/KH-UBND
Ngày ban hành 08/10/2024
Ngày có hiệu lực 08/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Hữu Hoàng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11280/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 08 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công văn số 3146/BNN-LN ngày 03/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4754/SNN-KL ngày 30/8/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên về môi trường, sinh thái và xã hội; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân ở khu vực có rừng và người làm nghề rừng; góp phần giải quyết các vấn đề về xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh phải đầy đủ, cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.

- Trên cơ sở nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng

- Đối tượng rừng: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất;

- Đối tượng thực hiện và hưởng lợi: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; đối tượng hưởng lợi trực tiếp là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.

2. Phạm vi: Đề án thực hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ

- Tiếp tục duy trì, phát triển diện tích rừng trồng sản xuất hiện có; hình thành một số vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ hợp pháp tập trung gắn với quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh; đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng đã đề ra theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 và Kế hoạch số 4398/KH-UBND ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến 2025.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng tham gia trồng rừng sản xuất gỗ lớn và từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững.

- Liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.

2. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu

- Nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh hại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

- Xây dựng nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng, trong đó tập trung ở các huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh đạt 255 ha.

- Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc miền núi nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

3. Phát triển các hình thức nông, lâm kết hợp

- Nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình nông, lâm kết hợp như: Phát triển cây dược liệu, nuôi trồng; vườn rừng... theo quy định của pháp luật, đánh giá các mô hình có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

[...]