Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 228/KH-UBND
Ngày ban hành 12/10/2024
Ngày có hiệu lực 12/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án) để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng phát triển và thực tiễn địa phương.

-Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của Nhân dân; nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia thực hiện Đề án.

- Là căn cứ để tổ chức, theo dõi, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương;

- Các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và chủ động phối hợp triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra, gắn với kiểm tra, đánh giá định kỳ việc triển khai thực hiện;

- Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Phấn đấu sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt bình quân 500.000 m3/năm; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 15.000 ha, góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho ngành chế biến gỗ;

- Trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, phục hồi rừng đặc dụng, phòng hộ với các loài cây trồng chính là cây bản địa, cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm, cây lâm sản ngoài gỗ; góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,5% - 67,0%;

- Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn liền với du lịch tâm linh,...; năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Tiếp tục thực hiện thu tiền dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật.

b) Tầm nhìn đến năm 2050:

Đến năm 2050, ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng và đất rừng gắn với phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,... góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân sống gần rừng, sống bằng nghề rừng; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao; áp dụng biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, không khai thác rừng non, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo Quyết định 234/QĐ- UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030.

- Liên kết thị trường, tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.

2. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu

[...]