Kế hoạch 314/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 314/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2022
Ngày có hiệu lực 09/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 314/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 09 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 30/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế tỉnh ta, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm 2021-2025. UBND tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình trong điều kiện mới gắn với phòng, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh Covid 19, trong đó đã ban hành kế hoạch hành động số 2300/KH-UBND ngày 15/10/2021 và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN HỖ TRỢ

1. Quan điểm

- Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên trì giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

- Vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

- Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cần phải triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.

- Phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, huy động hợp lý các nguồn lực địa phương theo khả năng thực tế; cân đối hợp lý giữa các địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

- Sau khi Trung ương phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình, huy động các nguồn lực địa phương và các nguồn hợp pháp khác, phải xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu.

2. Mục tiêu

- Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng; giữ vững ổn định kinh tế; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của giai đoạn 2021-2025 trong tình hình mới; phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm sau cao hơn năm trước (bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,0 - 8,5%/năm và năm 2022 đạt 6 - 6,5%); tạo việc làm hàng năm cho 1,8 - 1,9 vạn lao động.

- Tập trung cải cách hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

- Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

3. Đối tượng, thời gian hỗ trợ

a. Đối tượng hỗ trợ bao gồm:

- Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

- Các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

b. Thời gian hỗ trợ: Chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh theo quy định của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh

a. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch. Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) sau khi Trung ương ban hành.

- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ban, ngành địa phương tiếp tục rà soát, hướng dẫn và triển khai thực hiện các biện pháp y tế, an toàn, phù hợp với tình hình, lộ trình mở cửa lại các trường học, du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Triển khai chiến lược vắc xin toàn diện, hiệu quả, chú trọng tiêm vắc xin cho các đối tượng thuộc địa bàn, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tăng tốc độ tiêm chủng, tiêm chủng tại nhà cho đối tượng yếu thế, không đến được điểm tiêm. Tổng hợp, rà soát đối tượng trẻ em 5 - 11 tuổi để tiêm khi có chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm, tổ chức các cơ sở xét nghiệm dịch vụ cho người dân có nhu cầu để chủ động phòng ngừa nhiễm COVID-19; phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, các đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh.

[...]