Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2021 triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của thành phố Cần Thơ

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2021
Ngày có hiệu lực 30/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Công văn số 334/BKHCN-TĐC ngày 23 tháng 02 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng tại các Bộ, địa phương; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Xây dựng và duy trì phong trào năng suất chất lượng trong toàn thành phố. Phát huy tối đa mọi nguồn lực, tạo sự bứt phá về năng suất chất lượng, gia tăng nhịp độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuyên truyền về mô hình năng suất chất lượng để nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp, nhân rộng điển hình, tạo bước chuyển biến về năng suất chất lượng các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của thành phố.

b) Hỗ trợ xây dựng các mô hình doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng; các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình điển hình để hình thành phong trào năng suất chất lượng.

c) Đào tạo nguồn nhân lực của các Sở, ngành thành phố, các doanh nghiệp về lĩnh vực năng suất và chất lượng, từ đó làm hạt nhân nòng cốt để xây dựng, ổn định và phát triển phong trào, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Tập trung đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ về năng suất chất lượng cho khoảng 500 lượt cán bộ quản lý của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 20 chuyên gia về năng suất chất lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp.

- Có ít nhất 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh được phổ biến, tập huấn, tuyên truyền, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Hỗ trợ ít nhất 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến (ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO/IEC 17025, BRC, GMP, HACCP, VietGAP, 5S, Kaizen,…) phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

- Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đến năm 2025, có ít nhất 10 nhóm sản phẩm được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Vận động và hỗ trợ khoảng 05 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia.

b) Định hướng đến năm 2030:

- Đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ về năng suất chất lượng cho khoảng 1.000 lượt cán bộ quản lý của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 40 chuyên gia về năng suất chất lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp.

- Ít nhất 3.000 các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh được phổ biến, tập huấn, tuyên truyền, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Hỗ trợ khoảng 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến (ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO/IEC 17025, BRC, GMP, HACCP, VietGAP, 5S, Kaizen,…) phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

- Đến năm 2030 có ít nhất 20 nhóm sản phẩm được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Vận động và hỗ trợ khoảng 10 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia do Trung ương bình chọn.

II. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng

a) Doanh nghiệp: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác đăng ký và được xét duyệt tham gia Chương trình.

b) Cơ quan, tổ chức có liên quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ; Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố; các tổ chức tư vấn, chứng nhận dịch vụ khoa học kỹ thuật.

2. Điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm giống, cơ sở sản xuất phải hoạt động đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, bảo hiểm, môi trường… theo quy định pháp luật.

b) Ưu tiên hỗ trợ đối với những doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu/thay thế hàng nhập khẩu, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động.

c) Không hỗ trợ đối với những doanh nghiệp đang được nhận hỗ trợ từ các nguồn vốn khác của Nhà nước với cùng nội dung đăng ký hỗ trợ.

d) Chính sách hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, không trùng lắp.

[...]