Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2022 về tổ chức thực hiện Quyết định 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 133/KH-UBND
Ngày ban hành 08/06/2022
Ngày có hiệu lực 08/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 450/QĐ-TTG NGÀY 13/4/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Quyết định số 450/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Quyết định số 450/QĐ-TTg thuộc trách nhiệm của địa phương để tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tình hình thực tế của tỉnh.

- Phát huy tính chủ động trong phòng, chống, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên; nâng cao năng lực quản lý môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm các tầng lớp Nhân dân trong bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

2. Yêu cầu

- Xác định đầy đủ, cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai Quyết định số 450/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.

- Các nội dung của kế hoạch được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh với chính quyền cơ sở; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ban, ngành.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Thực hiện tốt việc sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện gắn với công tác khen thưởng, nhân rộng các mô hình điển hình hằng năm và giai đoạn theo yêu cầu của trung ương, của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường

a) Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực môi trường dễ bị biến đổi, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ.

- Chú trọng quá trình phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, các khu công nghiệp sinh thái. Khuyến khích sử dụng nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường.

- Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt và các loại kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, Hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP vào sản xuất nông nghiệp; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Rà soát, phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tại các địa phương, đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

- Chú trọng phát triển không gian xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, song hành với xây dựng nông thôn mới chống chịu với biến đổi khí hậu.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 889/QĐ- TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường

- Thực hiện phân vùng môi trường phù hợp với định hướng phân vùng phát triển kinh tế - xã hội theo phương án quy hoạch tỉnh, tăng cường ngăn chặn, kiểm soát các hoạt động gây hại đến môi trường đặc biệt ở các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải.

- Yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường theo quy định. Đối với những dự án đã có thủ tục môi trường, chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc các nội dung, cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.

c) Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường

- Phân loại các các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo mức độ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung kiểm soát nghiêm ngặt đối với nhóm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có lượng xả thải lớn.

- Yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng chấp hành nghiêm việc thực hiện quan trắc tự động phát thải theo quy định.

- Xây dựng và thực hiện theo lộ trình các giải pháp đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường cho khu dân cư đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kho tàng có chứa các chất dễ cháy, nổ, phóng xạ, độc hại, có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm nguồn nước.

- Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn, hạ tầng kỹ thuật về môi trường trong tất cả các quy hoạch có liên quan.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quy hoạch và lựa chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư.

[...]