Quyết định 419/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 419/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/04/2017
Ngày có hiệu lực 05/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 419/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH THÔNG QUA HẠN CHẾ MẤT VÀ SUY THOÁI RỪNG; BẢO TỒN, NÂNG CAO TRỮ LƯỢNG CÁC - BON VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN RỪNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 01/COP16; Quyết định số 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15/COP19 của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (sau đây viết chung là Chương trình REDD+) đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

- Chương trình REDD+ góp phần thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, bảo đảm an ninh môi trường quốc gia và xóa đói giảm nghèo.

- Chương trình REDD+ phải bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Việt Nam, tuân thủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

- Thực hiện Chương trình REDD+ phải bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý và điều hành của Nhà nước; phát huy cao nhất sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư, tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế.

- Các hoạt động REDD+ nhằm giải quyết các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, lồng ghép giới và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong REDD+, đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của các bên liên quan, bao gồm cả đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ tại các cộng đồng địa phương; hoạt động REDD+ cần được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, quy định của Công ước khung Liên hp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội và các yếu tố rủi ro.

- Chương trình REDD+ đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch ưu tiên sang cải thiện chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng, hạn chế mất rừng nhằm tối đa hóa các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường; khai thác giá trị dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung

Góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các - bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2017-2020:

+ Đến năm 2020, góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động REDD+, nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha.

+ Đáp ứng yêu cầu sẵn sàng thực hiện REDD+, đảm bảo có đủ năng lực để tiếp cận nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế.

+ Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm gia tăng tích lũy các - bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý, bảo vệ và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên.

+ Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

- Giai đoạn 2021 - 2030

[...]