Kế hoạch 131/KH-UBND về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lào Cai năm 2020

Số hiệu 131/KH-UBND
Ngày ban hành 21/04/2020
Ngày có hiệu lực 21/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/KH-UBND

Lào Cai, ngày 21 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH LÀO CAI NĂM 2020

Phần 1

CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN

1. Đặc điểm tình hình chung

Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, diện tích tự nhiên 6.364 km2. Phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182 km đường biên giới quốc gia; có cửa khẩu Quốc tế, quốc gia, cửa khẩu phụ, các cặp lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố, với dân số có trên 746.024 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 64%).

Lào Cai địa phương có nhiều khu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước như Sa Pa, Bắc Hà; hệ thống giao thông đa dạng, có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu buôn bán và phát triển các loại hình dịch vụ với các tỉnh nội địa và tỉnh Tây Nam (Trung Quốc), số lượng du khách đến Lào Cai ngày càng gia tăng qua các năm. Bên cạnh đó Lào Cai còn có nhiều tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp khoáng sản, thủy điện... phát triển mạnh. Những lợi thế trên tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên kèm theo là không ít những ảnh hưởng, tác động đến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, và tệ nạn xã hội và đặc biệt là HIV/AIDS trên địa bàn.

2. Tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm

- Về tệ nạn ma túy: Toàn tỉnh hiện có 3.580 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (nam: 3.447, nữ: 133), trong đó số ở các cơ sở cai nghiện: 738; trong các trại, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng: 74; tại cộng đồng: 2.498 (trong đó có 1.427 đối tượng điều trị Methadone), ngoài xã hội đi làm ăn ở nơi khác: 272. Tệ nạn ma túy xuất hiện tại 128/152 xã, phường, thị trấn tại 09/09 huyện, thị xã, thành phố. Theo đánh giá của Trung ương, Lào Cai thuộc nhóm 2 (dịch tập trung), nhóm tỉnh, thành phố trọng điểm về tệ nạn ma túy (Theo Báo cáo số 459/BC-UBND ngày 25/11/2019 về kết quả công tác phòng chống ma túy năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai).

- Về tệ nạn mại dâm: Theo ước tính qua hoạt động tiếp cận cộng đồng có khoảng 300 gái mại dâm hoạt động, Trong thời gian gần đây đối tượng tham gia bán dâm tuổi đời ngày càng trẻ hóa, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp và thường xuyên biến động, khó tiếp cận và quản lý.

3. Tình hình dịch HIV/AIDS tính đến ngày 31/12/2019

- HIV/AIDS đã xuất hiện tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai, số người nhiễm HIV mới phát hiện năm 2019 là 83 (Lũy tích là 3.099); số bệnh nhân AIDS mới là 74 (Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.590); số bệnh nhân AIDS tử vong mới là 21 (lũy tích 1.509).

- Tỷ lệ hiện mắc/100.000 dân chung toàn tỉnh là: 0,20; trong đó huyện Văn Bàn có tỷ lệ hiện mắc cao nhất: 0,53; tiếp theo là TP Lào Cai: 0,39. Nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm 20-39 tuổi (chiếm 79%) số; tỷ lệ nhiễm ở nam giới: 78,15%; nữ giới: 21,85%. Lây nhiễm HIV qua đường máu chiếm khoảng 63,12% lây truyền qua đường tình dục chiếm khoảng 26,78%.

- Số ca nhiễm HIV mới đang có xu hướng chững lại trong những năm gần đây, năm 2019 tăng nhẹ (tăng 02 trường hợp so với năm 2018). Số trường hợp bệnh nhân chuyển AIDS và tử vong giảm. Tuy nhiên cảnh báo nguy cơ lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng có thể ảnh hưởng do lây truyền HIV từ nhóm nghiện chích sang bạn tình của họ, bên cạnh đó Lào Cai là nơi có nhiều khách du lịch đến hằng năm và là cửa khẩu giao lưu thương mại lớn của khu vực Miền Bắc vì vậy cần quan tâm nhiều hơn nữa nguy cơ lây truyền qua đường tình dục của nhóm phụ nữ bán dâm trên địa bàn tỉnh.

4. Kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2019

- Dự phòng và can thiệp giảm tác hại: Số người nghiện chích ma túy (NCMT) sử dụng bơm kim tiêm sạch: 2.096 người. Số người điều trị Methadone: 1.437/1.400 đạt 102,6% kế hoạch (KH).

- Chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con: Bệnh nhân người lớn điều trị ARV: 985/940 (đạt 104,8% KH); bệnh nhân trẻ em điều trị ARV: 31/29 (đạt 106,9% KH); người nhiễm HIV mắc lao được điều trị đồng thời lao và HIV: 11/11 người bệnh (đạt 100% KH); phụ nữ mang thai (PNMT) được xét nghiệm HIV: 16.615/17.508 (đạt 126,5% KH); bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV: 93/75 (đạt 123,9% KH); PNMT dương tính được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con: 08/09 PNMT (đạt 100% KH).

- Giám sát dịch HIV/AIDS/STI: Thực hiện 300/300 mẫu giám sát trọng điểm HIV (đạt 100% KH); lấy mẫu giám sát phát hiện 2.852/2.600 (đạt 109,7% KH); đối tượng có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm HIV: 2.430/2.457 người (đạt 123,6% KH).

5. Đánh giá chung

5.1. Ưu điểm:

Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đã được các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS; các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai tích cực, giúp cho nâng cao nhận thức nhóm người có nguy cơ cao như nghiện trích ma túy (NCMT) đã biết dùng riêng bơm kim sạch... Công tác giám sát phát hiện và điều trị bệnh nhân được triển khai thực hiện thường xuyên, có chất lượng. Hoạt động của các dự án và chương trình mục tiêu quốc gia được tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả; bệnh nhân được tiếp cận điều trị sớm, không còn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm CD4.

5.2. Khó khăn, tồn tại:

- Kinh phí cho hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi bị cắt giảm; kinh phí Trung ương không cấp cho hoạt động truyền thông, kinh phí địa phương chỉ cấp cho tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nên chủ yếu các hoạt động tuyên truyền là lồng ghép với hoạt động giáo dục truyền thông y tế khác.

- Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone còn gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân bỏ điều trị do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Tự ý bỏ điều trị và bị bắt do tiếp tục còn sử dụng các chất gây nghiện bất hợp pháp khác...

- Thuốc ARV thực hiện cung cấp qua BHYT tuy nhiên việc mua sắm, cung ứng thuốc ARV do BHYT chi trả chưa kịp thời và còn bị thiếu thuốc; một số bệnh nhân chưa dám dùng BHYT vì sợ lộ danh tính.

- Về vấn đề mua và cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV: Người nhiễm HIV chưa chủ động trong việc theo dõi hạn sử dụng thẻ BHYT, có việc làm không ổn định, không có giấy tờ tùy thân... nên việc hỗ trợ thẻ BHYT gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Kinh phí triển khai cho chương trình phòng chống HIV/AIDS thiếu tính bền vững. Nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) còn thiếu, cấp muộn gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động; hoạt động phòng chống HIV/AIDS đang thực hiện chủ yếu do các dự án hỗ trợ, song các dự án ngày càng cắt giảm trong những năm gần đây.

- Nguồn nhân lực triển khai các hoạt động còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, ảnh hưởng tới việc mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và công tác can thiệp giảm tác hại.

[...]