Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2023 về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội đến năm 2025

Số hiệu 128/KH-UBND
Ngày ban hành 20/04/2023
Ngày có hiệu lực 20/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025;

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai có hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ của ngành Công Thương trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025. Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030; Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15/7/2019 của Bộ Công Thương về tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngành Công Thương để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng của con người làm nguồn tài nguyên hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

3. Chủ động triển khai các hành động thiết thực hưởng ứng việc bảo vệ môi trường ngành Công Thương trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, kinh doanh thương mại... Khuyến khích các doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ cụ thể giảm thiếu tác động về môi trường trong hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối.

4. Ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Công Thương tham gia thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 70% - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát.

- 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy.

- Xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp.

- Tỷ lệ các cụm công nghiệp (đang hoạt động và xây mới) có trạm xử lý nước thải: 100%.

III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chương trình, đề án, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành phố có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn Thành phố thông qua các ấn phẩm truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường.

2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng các cụm, điểm sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng các cụm công nghiệp để tách việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, các khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề theo Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng cơ chế chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ sản xuất trong làng nghề, làng có nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% tỷ lệ chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng Kế hoạch hạn chế việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,.... Từng bước vận động thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường theo Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm cung cấp công nghệ bảo vệ môi trường, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngành Công Thương phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng phát triển.

5. Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế tuần hoàn ngành Công Thương, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp. Triển khai các giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý môi trường cho các ngành công nghiệp theo điều kiện và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ.

6. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý môi trường, giảm nhẹ phát thải nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại; xây dựng các điều kiện cơ sở vật chất, pháp lý tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước theo lộ trình.

7. Tham gia đánh giá, nhận diện các tác động môi trường của các dạng năng lượng mới như điện từ rác thải, điện mặt trời; đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát, đánh giá môi trường tổng hợp đối với một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp... để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kiểm soát các nguồn thải chất thải nguy hiểm.

[...]