Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2023 thực hiện bảo vệ môi trường và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 110/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2023
Ngày có hiệu lực 27/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 27 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 901-CV/TU ngày 12 tháng 01 năm 2023 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 901-CV/TU ngày 12 tháng 01 năm 2023 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, từng bước củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và các địa phương.

2. Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong toàn bộ hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang phải chấp hành, gương mẫu và tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài; là nghĩa vụ của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng tỉnh Đồng Tháp ngày càng "xanh - sạch - đẹp".

3. Nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến xã, ấp, khu dân cư nông thôn và khu vực đô thị để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

4. Huy động mọi nguồn lực xã hội bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và địa phương đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức rõ nét trong toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cả về nội dung, hình thức, cách vận động theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả; mỗi cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải có ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có trách nhiệm tuyên truyền vận động người thân, nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; làm chuyển biến, thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, ý thức trong toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, theo phương châm trong trước (cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phải nêu gương, chấp hành, xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm), ngoài sau (quần chúng nhân dân hưởng ứng, chấp hành thực hiện) tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn thể cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Từng bước giảm nhanh và tiến đến mục tiêu chấm dứt các hành vi xả rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không đúng nơi quy định của hộ gia đình, cá nhân và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài; là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng tỉnh Đồng Tháp ngày càng "xanh - sạch - đẹp"

- Tổ chức, vận động nhân dân tham gia vào các mô hình bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông tạo ra cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp’’. Tiếp tục duy trì các hoạt động “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, phân loại chất thải rắn sinh hoạt “hành động nhỏ, hiệu quả lớn”, phong trào “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, ...

- Kịp thời khen thưởng và biểu dương các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt và có mô hình điển hình về bảo vệ môi trường; chú trọng và khen thưởng các mô hình tốt, có cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình, cách làm hay, có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong nhân dân để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh.

- Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức và địa phương theo phân cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường; lấy kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của địa phương, đơn vị để đánh giá năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức.

2. Tăng cường năng lực tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên cơ sở biên chế hiện có rà soát, sắp xếp, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường theo hướng tăng cường tính chuyên trách, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đơn vị, bộ phận, cá nhân, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường

- Huy động và bố trí nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh, sớm đưa vào vận hành nhằm góp phần giải quyết vấn đề chất thải tại địa phương; tổ chức rà soát, đánh giá, đầu tư, nâng cấp để cải thiện, xử lý các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh.

- Các khu đô thị, khu dân cư mới phải quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu vực trung tâm huyện, thành phố.

- Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Chủ động ngăn ngừa không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Thực hiện tốt Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền quản lý.

- Bảo dưỡng, bảo vệ, chăm sóc hệ thống cây xanh và trồng mới cây xanh ở các khu vực trung tâm, đô thị nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp,...

- Tập trung chỉ đạo làm chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương như: Các khu dân cư, khu đô thị, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phải có giải pháp xử lý chất thải, nước thải, mùi hôi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật, không để vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành bức xúc trong nhân dân.

- Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép; tổ chức tập huấn, hướng dẫn áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi trường, sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng cách sau khi sử dụng, phát huy kết quả phong trào“Vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật”.

- Tăng cường chỉ đạo cấp xã tổ chức ra quân ở ấp, khóm, vận động người dân cùng tham gia các hoạt động tại địa phương. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp, các hoạt động ngày “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.

- Tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các đơn vị thu gom rác phải đảm bảo tần suất và chất lượng thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom triệt để không để rác thải sinh hoạt tồn đọng gây mùi hôi thối, mất mỹ quan, mất vệ sinh tại các tuyến đường, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, nông thôn,...

- Ở từng cấp, từng ngành có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các điểm nóng về môi trường trên địa bàn quản lý, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường theo quy định, đảm bảo quản lý tốt các nguồn thải, tránh gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận, người dân phản ánh, khiếu nại đông người.

- Thực hiện chính sách xã hội hóa việc thu gom và xử lý chất thải, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ