Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 12614/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi ở địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 12614/KH-UBND
Ngày ban hành 14/10/2021
Ngày có hiệu lực 14/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12614/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 14 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MỘT SỐ DỊCH BỆNH NGUY HIỂM TRÊN THỦY SẢN NUÔI Ở ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi ở địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, cụ thể như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2020

I. CÔNG TÁC NUÔI TRỒNG VÀ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

- Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 36.881 ha; diện tích các ao, hồ nhỏ chuyên dùng cho nuôi trồng thủy sản là 9.093 ha (nước ngọt là 7.140 ha, nước mặn là 1.953 ha). Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 64.180 tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt 59.080 tấn, sản lượng khai thác 5.100 tấn.

- Nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng chủ yếu ở đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt, chủ lực như chép, rô phi, lóc, điêu hồng, rô đồng, tôm chân trắng, tôm càng xanh và một số loài cá có giá trị kinh tế khác.

- Mô hình nuôi:

+ Mô hình nuôi trong ao, hồ (diện tích < 5 ha) được áp dụng phổ biến tại các huyện trên địa bàn của tỉnh, với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh.

+ Mô hình nuôi cá lồng bè: nuôi chủ yếu trên hồ Trị An và sông Đồng Nai.

+ Mô hình nuôi thủy sản nước lợ, mặn: bao gồm nuôi quảng canh cải tiến áp dụng đối tượng chủ yếu là tôm sú, năng suất 0,6 - 1 tấn/ha, nuôi thâm canh áp dụng cho diện tích ao nuôi từ 3.000 - 5.000 m2.

- Hiện nay, xây dựng và chứng nhận 14 vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh (02 tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh/nuôi cá nước ngọt tại huyện Tân Phú; 01 tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch; 04 tổ hợp tác nuôi cá lóc, cá rô/ nuôi cá nước ngọt tại huyện Định Quán; 04 tổ hp tác nuôi cá tra/nuôi cá lăng-cá lóc tại huyện Vĩnh Cửu, 01 tổ hợp tác nuôi cá rô phi, 01 HTX nuôi cá nước ngọt tại huyện Xuân Lộc, 01 tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt tại huyện Cẩm Mỹ) với tổng diện tích nuôi trồng là 408,05 ha, 80.788 m3 bè/bể và tổng sản lượng thủy sản đạt là 15.675 tấn/năm.

- Về dịch vụ phục vụ sản xuất thủy sản, diện tích các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh khoảng 20.4 ha, sản lượng trung bình là 90 tấn/năm, ngoài ra còn có những cơ sở là hộ gia đình, mua bán, kinh doanh con giống nhỏ lẻ theo mùa vụ (2-3 tháng/năm), nguồn giống chủ yếu nhập về từ các tỉnh như Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang.... Trên địa bàn tỉnh không có trại sản xuất đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng, do đó phần lớn các hộ nuôi lấy nguồn tôm giống nước lợ từ các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu v.v...

- Năm 2020, đã triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản theo Quyết định 713/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh, thu tổng số 246 mẫu tại các thủy vực trọng điểm, tập trung trên địa bàn tỉnh bao gồm: Khu vực cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa), khu vực hồ Trị An và cá bè La Ngà (huyện Định Quán), khu vực ngập mặn hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch; các ao nuôi tôm, cá tại các xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), xã Trà Cổ (huyện Tân Phú), xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Kết quả quan trắc đã được đơn vị cập nhật, xử lý và thông báo đến địa phương, phổ biến đến người nuôi trên địa bàn; đồng thời khuyến cáo, phát tờ rơi, hướng dẫn người nuôi thủy sản điều chỉnh phương thức quản lý, chăm sóc phù hợp với điều kiện thực tế và chủ động ứng phó với thời tiết, giảm tránh những thiệt hại trong sản xuất.

II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2020

1. Tình hình dịch bệnh

Trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh không phát hiện dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản.

2. Công tác phòng dịch

- Công tác tuyên truyền: tổ chức 04 lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh thủy sản tại các xã Phú Ngọc (Định Quán), Phước An (Nhơn Trạch), Trà Cổ (Tân Phú) và xã Mã Đà (Vĩnh Cửu) với 189 người tham dự, với nội dung về các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phòng chống có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản.

- Giám sát bị động (khi có bệnh): lấy 02 mẫu tôm thẻ (Nhơn Trạch), 04 mẫu cá lóc (Định Quán), 02 mẫu cá điêu hồng, chép (Tp. Biên Hòa) để xét nghiệm. Kết quả không phát hiện bệnh truyền nhiễm trên các mẫu thu.

- Giám sát chủ động: lấy 44 mẫu (cá rô, cá tạp) tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh, kết quả không phát hiện mầm bệnh trong các mẫu thu.

3. Đánh giá

- Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng (chủ yếu ở đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt) với các đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh là cá rô đồng, lóc, điêu hồng, tôm chân trắng, tôm càng xanh,hiện trạng nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với hàng loạt thách thức: công tác quy hoạch phát triển thủy sản chưa theo kịp tốc độ phát triển, đầu tư còn dàn trải, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp; việc phát triển nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến môi trường nuôi một số nơi có dấu hiệu suy thoái, dễ làm dịch bệnh phát sinh; sự mất cân đối giữa cung-cầu, đa phần nông dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường,... những yếu tố này tác động, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản.

- Thời gian qua các chủ cơ sở nuôi trồng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng.

- Tuy nhiên trước sự biến đổi của thời tiết và môi trường nuôi bị ô nhiễm do mưa lũ, các ao, hồ nuôi gần khu công nghiệp và nguy cơ xâm nhiễm các bệnh mới ni trên động vật thủy sản... cùng tác động bất lợi đến đối tượng nuôi và việc kiểm soát dịch bệnh.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG MỘT SỐ DỊCH BỆNH NGUY HIỂM TRÊN THỦY SẢN NUÔI Ở ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021-2030

[...]