Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống mù lòa đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 126/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2024
Ngày có hiệu lực 23/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MÙ LÒA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược quốc qua phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống mù lòa đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội với nội dung sau:

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2020-2023

I. Thông tin chung

Theo số liệu công bố của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2015: tỷ lệ mù lòa của nước ta là khoảng 1,8% dân số; số lượng người mù ước tính là 329,333 người; số lượng người trên 50 tuổi với thị lực kém cả 2 mắt là khoảng 2,1 triệu người; trên 80% người mù và suy giảm thị lực ở Việt Nam là có thể phòng tránh hoặc điều trị được; 1/3 là những người nghèo không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp. Nguyên nhân gây mù chủ yếu là đục thể thủy tinh (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa với mục tiêu đến năm 2030 bao gồm:

- Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,0 người trên 1.000 dân, trong đó: giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người trên 1.000 dân.

- Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người trên 1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%.

- Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%.

- Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.

Trong những năm qua, dù điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao, ngành nhãn khoa cũng đã có những bước tiến vượt bậc nhưng công tác phòng chống mù loà vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như:

- Thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt tại tuyến y tế cơ sở. Sự phân bố bác sĩ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị và đồng bằng dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chăm sóc mắt tại vùng núi, vùng sâu vùng xa. Theo ước tính, chỉ có khoảng 1/3 bác sĩ chuyên khoa mắt có thể thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể.

- Thiếu trang thiết bị chuyên khoa mắt: nhiều cơ sở y tế không có đủ trang thiết bị phục vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị dẫn tới tỷ lệ người bệnh bị trì hoãn điều trị hoặc phải chuyển lên tuyến trên cao.

- Một số quận/huyện trên địa bàn Thành phố có vị trí xa trung tâm gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến trên. Hiện nay, Thành phố còn 14 xã thuộc 4 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai là các xã miền núi còn nhiều khó khăn.

- Một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng chống các bệnh về mắt dẫn đến việc chậm trễ đi khám và điều trị, thậm chí từ chối điều trị do những quan niệm sai lầm.

II. Đánh giá hoạt động phòng chống mù lòa giai đoạn 2020-2023

1. Hiệu quả hoạt động

- Các hoạt động phòng chống mù lòa đã được triển khai rộng rãi đến tất cả các trung tâm y tế quận/huyện, các trạm y tế xã/phường và một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

- Các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện các bệnh về mắt được triển khai đều đặn, thường xuyên đến tận trạm y tế xã/phường đảm bảo tiếp cận tối đa và thuận lợi cho người dân, đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

- Việc quản lý một số bệnh gây mù tại tuyến y tế cơ sở được duy trì, đảm bảo cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị phù hợp.

- Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở được chú trọng và triển khai thường xuyên, hiệu quả.

- Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về chăm sóc, phòng chống các bệnh về mắt được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, đảm bảo tính bao phủ cao và phù hợp với từng đối tượng.

2. Ưu điểm

- Các hoạt động phòng chống mù lòa được triển khai sâu rộng đến tận tuyến y tế cơ sở với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả.

- Các Bệnh viện mắt công lập trên địa bàn Thành phố đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đảm bảo cung cấp dịch vụ khám và điều trị hiệu quả cho người bệnh.

3. Khó khăn

[...]