Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2021 về khảo sát ý kiến đánh giá của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 126/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2021
Ngày có hiệu lực 06/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHẢO SÁT Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI DÂN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TẠI CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 1707/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 ban hành Quy định về xác định Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; để có cơ sở đánh giá chính xác mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách, cung ứng dịch vụ công ở những lĩnh vực người dân quan tâm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khảo sát ý kiến đánh giá của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Với phương châm coi người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, do đó khảo sát ý kiến đánh giá của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là khảo sát ý kiến của người dân) đđánh giá hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp huyện trong quá trình thực thi công vụ ở những lĩnh vực người dân quan tâm và tương tác thường xuyên với chính quyền địa phương.

Từ kết quả đánh giá, xếp hạng, UBND cấp huyện, cấp xã biết được những nội dung đã thực hiện tốt, những nội dung còn hạn chế, từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục trong những năm tiếp theo.

- Nâng cao vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình điều hành, quản lý nhà nước, thực thi các chính sách; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai khảo sát ý kiến của người dân phải đảm bảo khoa học và khách quan; đánh giá đúng thực chất hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; có tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện tại chính quyền cấp huyện, cấp xã.

- Phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Kết quả khảo sát phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, được công bố kịp thời, rộng rãi; giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân.

II. NỘI DUNG KHẢO SÁT Ý KIẾN NGƯỜI DÂN

Các yếu tố khảo sát ý kiến người dân gồm 8 yếu tố cơ bản trong công tác quản trị và hành chính công với 8 chỉ số nội dung gồm: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; (8) Quản trị điện tử. Với những nội dung thành phần phản ánh những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cụ thể như sau:

1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở:

- Tri thức công dân;

- Chất lượng bầu cử;

- Cơ hội tham gia;

- Đóng góp tự nguyện.

2. Công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền:

- Tiếp cận thông tin;

- Danh sách hộ nghèo;

- Thu chi ngân sách cấp xã/phường;

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá bồi thường thu hồi đất.

3. Trách nhiệm giải trình với người dân:

- Mức độ hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền;

- Giải đáp khiếu nại, tố cáo khúc mắc của người dân;

- Tiếp cận dịch vụ tư pháp.

[...]