Quyết định 1707/QĐ-UBND năm 2021 quy định về xác định Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 1707/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/07/2021
Ngày có hiệu lực 14/07/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1707/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 14 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CỦA UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 02/02/2021 của UBND tỉnh về việc nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên năm 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 311/TTr-SNV ngày 14/5/2021 và Tờ trình số 382/TTr-SNV ngày 28/6/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về xác định Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy định về xác định Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;

- Trung tâm PVHHC&KSTTHC;
- Trung tâm Tin học-Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CVNCNH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Hưng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CỦA UBND HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Kèm theo Quyết định số 1707/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (sau đây viết tắt là Chỉ số PAPI) của UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Hung Yên.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

a) Xác định Chỉ số PAPI của UBND cấp huyện nhằm đánh giá khách quan kết quả thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công; theo dõi, đánh giá một cách thực chất và công bằng kết quả thực hiện các chỉ tiêu, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

b) Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công tác nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của UBND cấp huyện là cơ sở để phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo khắc phục kịp thời; xác định rõ những lĩnh vực, nội dung thực hiện tốt hoặc chưa tốt, từ đó tìm ra giải pháp và cách thức điều hành kinh tế - xã hội và quản lý hành chính trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

c) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức về công tác nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của cơ quan, đơn vị mình.

d) Thông qua xác định Chỉ số PAPI, đánh giá kết quả công tác nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công giúp UBND cấp huyện chủ động xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị phù hợp với tình hình chung của cả nước, của tỉnh; chủ động đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị, từ đó có giải pháp khắc phục những hạn chế, đồng thời biết được kết quả thực hiện của các đơn vị khác để so sánh, học tập.

2. Yêu cầu

a) Đánh giá thực chất, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công hàng năm của UBND cấp huyện.

b) Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương; không đưa vào đánh giá những tiêu chí mang tính đặc thù hoặc các tiêu chí tạo ra sự phân biệt lớn giữa các địa phương.

[...]