Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 116/KH-UBND thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Tuyên Quang năm 2021 và các năm tiếp theo

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

 Tuyên Quang, ngày 28 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH (PAR INDEX) VÀ CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC (SIPAS) TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2021 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Quyết định số 641/QĐ-BNV ngày 25/5/2021 của Bộ Nội vụ về phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 628/QĐ-BNV ngày 21/5/2021 của Bộ Nội vụ về phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020;

Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang đạt 83,81%, xếp thứ 33 trong nhóm 56 tỉnh, thành phố nhóm B và xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2020 chỉ số CCHC tăng 0,99% so với năm 2019, tuy nhiên do các tỉnh, thành phố có chỉ số tăng cao nên tỉnh Tuyên Quang giảm từ vị trí thứ 16 năm 2019 xuống vị trí thứ 35 năm 2020). Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 82,25%, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 23 bậc so với năm 2019; trong đó, 05/05 chỉ số tỷ lệ hài lòng không đạt 100%.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do các cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; chưa gắn với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện; tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế; người dân, tổ chức còn e ngại trong việc thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích.

Để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế của các chỉ số thành phần trong chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Chỉ số cải cách hành chính) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức) trong năm 2021 và thời gian tiếp theo, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần xác định Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức phải đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các nội dung, tiêu chí đánh giá của Bộ Nội vụ.

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đặc biệt là các cơ quan theo dõi, phụ trách các lĩnh vực của công tác cải cách hành chính đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par Index)

1.1. Tập trung khắc phục các tiêu chí chấm điểm bị trừ điểm

a) Chỉ số “Công tác chỉ đạo, điều hành”

Tiêu chí thành phần sáng kiến hoặc giải pháp mới trong cải cách hành chính: Tham mưu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp mới để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, đảm bảo hằng năm mỗi cơ quan, đơn vị có sáng kiến, giải pháp áp dụng lần đầu tiên mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác cải cách hành chính.

b) Chỉ số “cải cách thủ tục hành chính”

- Tiêu chí thành phần công khai TTHC: Đảm bảo 100% TTHC được kịp thời công bố, công khai và cập nhật mới trên Cổng Dịch vụ công, Trang thông tin điện tử và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC.

- Tiêu chí thành phần tỷ lệ hồ sơ TTHC do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng giải quyết TTHC quá hạn; thực hiện nghiêm túc việc gửi “Thư xin lỗi” người dân, tổ chức đối với hồ sơ TTHC giải quyết trễ hẹn; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và có sự phối hợp chặt chẽ giữa nội bộ từng cơ quan, đơn vị và giữa các cấp, các ngành trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nêu gương trong việc lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khi thực hiện TTHC.

- Thành lập và vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

c) Cải cách tài chính công

- Tiêu chí thành phần số đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp so với năm 2015:

+ Triển khai hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; giảm dần số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, tăng dần số lượng các đơn vị tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và bảo đảm một phần chi thường xuyên, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.

+ Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất như lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khi giao dự toán đầu năm cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố; điều chỉnh giảm dự toán đối với những nội dung không còn nhiệm vụ chi hoặc không có khả năng chi hết năm 2021; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

[...]