Kế hoạch 1256/KH-UBND năm 2023 thực hiện việc đăng ký tham gia Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1256/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2023
Ngày có hiệu lực 03/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1256/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VIỆC ĐĂNG KÝ THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU CỦA UNESCO

Căn cứ Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và Công văn số 86/BGDĐT-GDTX ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc đăng ký tham gia Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Phát huy lợi ích của việc tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, nhằm có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các Thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO; có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO.

Phấn đấu đạt danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” nhằm nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế, qua đó góp phần gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, hoạt động liên quan trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập; tích cực hơn nữa trong việc tham dự các hoạt động quốc tế về xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu do UNESCO tổ chức.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO (Bộ tiêu chí)

Việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng Thành phố Hồ Chí Minh theo Bộ tiêu chí nhằm xác định mức độ đã đạt được của Thành phố và khả năng sẽ đạt được của Thành phố đối với từng tiêu chí về xây dựng thành phố học tập.

Bộ tiêu chí được trích từ nguồn trang thông tin điện tử của UNESCO, được chuyển ngữ chính thức sang tiếng Việt để các sở - ban - ngành và đơn vị liên quan sử dụng trong quá trình triển khai công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng.

Chi tiết các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của Bộ tiêu chí xem tại Phụ lục I.

2. Đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Triển khai xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo các nội dung được yêu cầu của Đơn đăng ký thành viên tải từ nguồn trang thông tin điện tử của UNESCO, được chuyển thể chính thức sang tiếng Việt để các sở - ban - ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu, hoàn thành nội dung liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đơn đăng ký thành viên sau khi được hoàn chỉnh nội dung bằng tiếng Việt sẽ được chuyển ngữ chính thức thành tiếng Anh để hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, gửi về các địa chỉ theo hướng dẫn tại Công văn số 86/BGDĐT-GDTX.

Nội dung Đơn đăng ký thành viên xem tại Phụ lục II.

3. Triển khai các nội dung cần thực hiện sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, tiến hành triển khai một số nội dung sau:

a) Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thành phố học tập.

b) Tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng thành phố học tập.

c) Xây dựng ban hành Kế hoạch tổng thể và lộ trình thực hiện thành phố học tập phù hợp với các tiêu chí của Bộ tiêu chí và điều kiện của Thành phố.

d) Bố trí kinh phí ngân sách hàng năm của Thành phố để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; đồng thời, huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập.

e) Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thành phố học tập. Cuối năm, xây dựng báo cáo đánh giá sự tiến bộ của các tiêu chí, trong đó tập trung vào việc phân tích các tiêu chí còn chưa đạt, để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng thành phố học tập của Thành phố.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Xây dựng, ban hành Kế hoạch: trong tháng 4 năm 2023.

2. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO: hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

3. Đăng ký tham gia vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO: hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

[...]