Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 135/KH-UBND
Ngày ban hành 08/09/2020
Ngày có hiệu lực 08/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Đức Chín
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 08 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; góp phần phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu kinh tế.

- Kế hoạch được xây dựng theo hướng đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải.

- Các ngành, các cấp cần xác định được vai trò, tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Thúc đẩy việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững, tạo việc làm ổn định, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể như: dệt may - da giày, xi măng, rượu - bia - nước giải khát và chế biến thủy hải sản.

- 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Xây dựng, áp dụng từ 01 - 02 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần, khó phân hủy.

b) Đến năm 2030:

- Giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như: dệt may - da giày, xi măng, rượu - bia - nước giải khát, chế biến thủy hải sản và một số ngành khác.

- 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh

- Áp dụng các phương pháp, công nghệ kỹ thuật tốt nhất hiện có, thực hành môi trường tốt nhất, nhằm khai thác hợp lý và giảm tổn thất tài nguyên trong các ngành công nghiệp; phổ biến các mô hình quản lý tổng hợp khai thác, chế biến và chế tạo, sản xuất và sử dụng bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và năng lượng tái tạo cho các ngành công nghiệp.

- Có cơ chế loại dần một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện có ít, đến không còn khả năng hoặc không khuyến khích phát triển trên địa bàn tỉnh trong tương lai (gạch nung, bột cá, vôi,...). Đồng thời, từng bước chuyển dịch các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.

2. Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm

- Áp dụng, phổ biến và nhân rộng các thực hành tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất trong các ngành dệt may - da giày, xi măng, rượu - bia - nước giải khát, điện tử, chế biến thực phẩm và ngành kinh tế khác; các mô hình cộng sinh công nghiệp; mô hình đổi mới sinh thái, mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái và bền vững; các mô hình về quản lý và sử dụng nước hiệu quả; các mô hình về giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; các mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

- Hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển làng nghề bền vững, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình nông nghiệp hữu cơ; mô hình nuôi trồng bền vững.

[...]