Kế hoạch 124/KH-UBND về triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 14/04/2021
Ngày có hiệu lực 14/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;

Căn cứ Công văn số 1100/BNN-VPĐP ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2020

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW ngày 22/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016 - 2020 về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 20/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 24/4/2020 về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020; chỉ đạo triển khai thực hiện1, ban hành quyết định thành lập Hội đồng và quy chế đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

2. Công tác tổ chức thực hiện Chương trình OCOP

Ủy ban nhân dân Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị địa phương tích cực triển khai Chương trình OCOP theo Kế hoạch; hỗ trợ cộng đồng tham gia Chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn khuyến công; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP; hỗ trợ tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền; đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP; đào tạo nghề phục vụ phát triển Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

3. Các chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP

Để thực hiện Chương trình OCOP, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP, tỉnh đã lồng ghép thực hiện nhiều chính sách về phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm truyền thống; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, cấp quốc gia; tham gia hội chợ triển lãm.

4. Kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình

4.1. Công tác truyền thông

Công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa Chương trình OCOP được quan tâm thực hiện. Ngoài chuyên mục OCOP được phát định kỳ trên Đài phát thanh truyền hình (05 phút/kỳ/tuần), còn các tin bài phát sóng và đăng tải trên website, fanpage, youtube của Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Đồng Tháp (khoảng 100 tin, bài, hình ảnh, ghi nhận thông tin trên báo in và báo điện tử) tuyên truyền về nâng cao nhận thức Chương trình OCOP tỉnh.

Bên cạnh đó, đã xây dựng chuyên mục OCOP trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; sổ tay tuyên truyền (5.000 bản) và phát hành 2.400 quyển tài liệu hướng dẫn; cùng các pano tuyên truyền về Chương trình OCOP; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử cho các tổ chức, cá nhân đang sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập huấn tuyên truyền về Chương trình OCOP, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, người dân về ý nghĩa Chương trình OCOP, nâng cao năng lực ứng dụng và quản trị website thương mại điện tử; áp dụng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, tăng doanh thu và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.

Tỉnh cũng đã giao ngành nông nghiệp tham dự lớp tập huấn Chương trình OCOP khu vực phía nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tỉnh đã cử chuyên viên chuyên trách Chương trình OCOP tham gia lớp đào tạo, tập huấn do Trung ương tổ chức như khóa tập huấn về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 tại tỉnh Đồng Nai, lớp đào tạo phát triển sản phẩm OCOP sử dụng phương pháp “Học tập theo lộ trình” tại Bến Tre.

5.2. Triển khai thực hiện Chu trình OCOP

Các sở, ngành Tỉnh đã tập trung phối hợp với các địa phương, các chủ thể có sản phẩm OCOP tiềm năng triển khai thực hiện chu trình OCOP, nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình sản xuất, bao bì nhãn mác, đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển các ý tưởng thành các sản phẩm mới.

Năm 2020, tỉnh đã chức đánh giá, xếp hạng 130 sản phẩm có 113 sản phẩm thi lần đầu và 17 sản phẩm dự thi nâng hạng (với 56 chủ thể). Kết quả, sau 02 vòng đánh giá của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh có 99 sản phẩm (với 42 chủ thể) đạt từ 3 - 4 sao2 (34 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm đạt 3 sao và 04 sản phẩm OCOP đạt trên 90 điểm (gồm sản phẩm Hạt sen sấy, Mít sấy của Công ty TNHH Nam Huy, Bánh phồng chay cao cấp hạt sen của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu và Xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức), phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân Tỉnh đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao năm 2021.

Phần lớn các sản phẩm được cấp tiêu chuẩn chất lượng, mã số mã vạch; ngoài những kênh tiêu thụ truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp, …

5.3. Phát triển sản phẩm

Ủy ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình3; thực hiện tốt công tác quản lý và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về khoa học và công nghệ sử dụng nhãn hiệu4; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn5 và các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản6.

5.4. Củng cố, phát triển kinh tế

Năm 2020, tỉnh tập trung chuẩn hóa các sản phẩm đã có (sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, chủ thể hoạt động ổn định trong 02 năm liền kề, có tiềm năng thị trường) để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả có 56 tổ chức, cá nhân tham gia. Trong đó có 43 chủ thể mới tham gia lần đầu và 13 tổ chức các nhân có sản phẩm được công nhận OCOP năm 2021 (tham gia nâng hạng và thi đánh giá sản phẩm mới). Kết quả, có 42 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (04 Hợp tác xã; 02 Doanh nghiệp tư nhân; 05 Công ty Cổ phần; 12 Công ty Trách nhiệm hữu hạn; 15 Cơ sở sản xuất kinh doanh và 04 Hộ kinh doanh cá thể).

5.5. Hoạt động xúc tiến thương mại

Đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng đa dạng các kênh bán hàng sản phẩm OCOP; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong nước7. Kết quả, đã kết nối được nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào hệ thống siêu thị8; vận hành, hoạt động hiệu quả điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố Sa Đéc; liên kết, phát triển thêm các điểm bán hàng, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh9. Tổ chức Tuần lễ Văn hoá Du lịch Đồng Tháp năm 2021 (Không gian trưng bày giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng, quà lưu niệm, sản phẩm OCOP các địa phương; quầy thông tin kết nối tour, tuyến với du khách). Song song với việc tham gia gian hàng chung, tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia10

[...]