Kế hoạch 124/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo

Số hiệu 124/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2020
Ngày có hiệu lực 11/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ HÀI LÒNG VỀ SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Năm 2019 là năm thứ 3 Bộ Nội vụ tiến hành đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính tại 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng được đo lường trên 5 yếu tố: Tiếp cận dịch vụ hành chính công; Thủ tục hành chính; Công chức trực tiếp giải quyết TTHC; Kết quả cung ứng dịch vụ công; Việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị và thực hiện thông qua Phiếu điều tra đối với cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp giao dịch, giải quyết và nhận kết quả giải quyết TTHC. Chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội năm 2019 đạt 80,09%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, Hà Nội trong nhóm các tỉnh có Chỉ số Hài lòng chung chưa bền vững; thấp hơn mức trung bình chung của cả nước 4,36% (mức trung bình cả nước là 84,45%). UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao Chỉ số Hài lòng đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công của Thành phố, trong đó trọng tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ giải quyết TTHC.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác giải quyết TTHC, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức về việc cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.

- Phấn đấu Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của Hà Nội tiếp tục đạt trên 80% và cao hơn mức trung bình chung cả nước.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong Chỉ số Hài lòng do Bộ Nội vụ công bố; thực hiện các giải pháp khắc phục đồng bộ, khả thi và hiệu quả đối với Chỉ số Hài lòng (SIPAS) trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch của UBND Thành phố.

- Xử lý nghiêm minh đối với các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phân tích rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục theo từng Yếu tố tại Chỉ số Hài lòng (SIPAS) theo công bố của Bộ Nội vụ và Báo cáo kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng năm 2019 nội bộ thành phố (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp).

2. Tuyên truyền, phổ biến về công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC; đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến; đảm bảo việc tuyên truyền phổ biến đến tận thôn, tổ dân phố, người dân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân thường xuyên giao dịch tại Bộ phận Một cửa.

3. Niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC về tại nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC; trên hệ thống cổng/ Trang thông tin điện tử.

4. Định kỳ 6 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC trong đó chú trọng các lĩnh vực phát sinh nhiều giao dịch, các lĩnh vực thường xuyên có hồ sơ quá hạn, các lĩnh vực có nhiều nhóm TTHC liên thông; kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

5. Tiếp tục rà soát các TTHC; tập trung rà soát các quy trình thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC.

6. Tổ chức đánh giá chất lượng giải quyết TTHC; tổ chức các hoạt động khảo sát, điều tra, đo lường sự hài lòng và thu nhận ý kiến của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; việc đánh giá, phân tích phải công khai, minh bạch, khách quan để chỉ ra được những yếu kém trong cung cấp dịch vụ công nhằm đưa ra được các giải pháp khắc phục kịp thời.

7. Triển khai thực hiện việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến theo đúng Kế hoạch, lộ trình UBND Thành phố giao; đảm bảo việc cung cấp và thực hiện giải quyết các TTHC theo đúng Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

8. Chuyển đổi và triển khai toàn Thành phố Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; kịp thời điều chỉnh để đáp ứng được việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và trong cung cấp dịch vụ công.

9. Kiện toàn, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ phận Một cửa của các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Bố trí kinh phí, đầu tư trang bị và nâng cấp các thiết bị làm việc tại nơi tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tạo sự thoải mái cho người dân, tổ chức đến yêu cầu giải quyết TTHC.

10. Tiếp tục kiện toàn Bộ phận Một cửa các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn; rà soát, sử dụng cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn và có tinh thần cao trong phục vụ nhân dân, kỹ năng giao tiếp để thực hiện tốt các nhiệm vụ.

11. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trong cung cấp dịch vụ công; xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện giải quyết TTHC theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định; những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

12. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng trong giải quyết công việc hành chính và kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã:

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung tại mục III của Kế hoạch và Phụ lục đính kèm; kiểm tra việc giải quyết TTHC tại các phòng chuyên môn và Bộ phận Một cửa các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền, phổ biến các quy định về cung ứng dịch vụ công để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu và thực hiện.

- Rà soát TTHC để đề xuất giảm thời gian giải quyết hồ sơ; bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, kỹ năng giao tiếp tốt để thực hiện các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ.

[...]