Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 94/KH-UBND về triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh Lạng Sơn năm 2020

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 02/06/2020
Ngày có hiệu lực 02/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (PAPI) TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2020

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) là bộ chỉ số đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước dựa trên sự trải nghiệm và cảm nhận của người dân.

Năm 2019, chỉ số tổng hợp PAPI của tỉnh Lạng Sơn đạt 44,07 điểm, xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao, trong đó có 02 nội dung nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất, 03 nội dung nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao; 01 nội dung nằm trong nhóm đạt  điểm trung bình thấp và 02 nội dung nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất1. So với năm 2018, tỉnh Lạng Sơn giảm 2,98 điểm và giảm 23 hạng, trong đó có một số nội dung thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp hoặc thấp nhất, cho thấy công tác quản trị, điều hành và cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cần phải tiếp tục được khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả (nhất là nội dung Quản trị môi trường, Cung ứng dịch vụ công và Trách nhiệm giải trình với người dân).

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác quản trị, điều hành và cung cấp các dịch vụ công, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định nhiệm vụ, giải pháp chiến lược và cụ thể của các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị, điều hành và cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân;

b) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, giám sát việc thực thi chính sách thông qua 08 nội dung xác định chỉ số PAPI.

2. Yêu cầu

a) Cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 gắn với thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện nội dung, lĩnh vực công tác cải cách hành chính năm 2020;

b) Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền; tập trung tại các huyện, thành phố, trọng điểm là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh;

c) Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành tỉnh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền

Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI; xem đây là một kênh thông tin khách quan, toàn diện, chỉ ra những việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước; những phản ánh, kiến nghị của người dân về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước, nhất là cấp cơ sở; qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Khắc phục những nội dung hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân và tổ chức, nhất là các chính sách, pháp luật của nhà nước; hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức; công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giải quyết, cung cấp các thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho người dân giám sát, tham gia góp ý xây dựng chính quyền gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.

2. Về tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại địa bàn dân cư

Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là UBND cấp xã) ban hành Kế hoạch và triển khai đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung Đề án số 01-ĐA/BDVTU-UBND ngày 24/4/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về xây dựng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:

a) Về công tác thông tin, tuyên truyền

- Xây dựng lịch thông tin, tuyên truyền hằng tháng và tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các thôn, tổ dân phố, đến từng hộ gia đình và người dân trên địa bàn.

- Nội dung thông tin, tuyên truyền: tập trung vào các nội dung về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của tỉnh, của địa phương liên quan trực tiếp đến người dân trên địa bàn; nội dung dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các quy định về trách nhiệm công khai của chính quyền, các nội dung người dân được quyền bàn bạc, tham gia ý kiến, quyết định, giám sát và các quy định của pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân; kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết quả công tác cải cách hành chính, các hoạt động cụ thể về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở mà địa phương đã thực hiện...

- Hình thức thông tin, tuyên truyền: Thông qua hệ thống loa phát thanh, hệ thông thông tin cơ sở; tài liệu phát tay, tờ rơi, bảng tin…; đăng tải trên Website, trang Fanpage, nhóm Zalo,...; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đưa nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

b) Thực hiện đúng, đủ trách nhiệm xin ý kiến người dân theo quy định

Tổ chức cuộc họp hoặc phát phiếu tới cử tri, cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; thông qua hòm thư góp ý để xin ý kiến Nhân dân đối với: các nội dung người dân được bàn và quyết định trực tiếp; các nội dung người dân được bàn, biểu quyết để các cấp có thẩm quyền quyết định; các nội dung người dân được tham gia ý kiến, trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Khắc phục triệt để hiện tượng huy động các khoản đóng góp xã hội không dựa trên tinh thần tự nguyện, ấn định mức đóng góp tối thiểu hoặc vận động trùng lắp; công khai, minh bạch các khoản đóng góp xã hội; khuyến khích các hình thức, công khai xác nhận việc đã đóng góp (nếu có khi người dân yêu cầu) của công dân để tránh đóng góp nhiều lần, ở nhiều nơi.

c) Cung cấp thông tin; xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng về giám sát công trình công cộng nơi sinh sống.

Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc người có hành vi trả thù, trù dập công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị... để đảm bảo thực hiện quyền giám sát và các hình thức giám sát của người dân.

[...]