Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1022/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Nghị quyết 1059/NQ-UBTVQH13 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu | 122/KH-UBND |
Ngày ban hành | 15/08/2016 |
Ngày có hiệu lực | 15/08/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Văn Cao |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 08 năm 2016 |
Thực hiện Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 1059/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 về việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, nhằm nâng cao nhận thức về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
Sở Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13 về việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và Kế hoạch triển khai của Thủ tướng Chính phủ tới các cấp, các ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương, các đoàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa các nội dung về kết hợp kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh vào chương trình giảng dạy, học tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, loại hình học tập theo quy định.
a) Các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Ban chấp hành Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đến năm 2020.
b) Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài nhất là trong trong lĩnh vực tôn giáo, quốc phòng, an ninh.
c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và lãnh đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
e) UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cơ sở, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động nắm chắc tình hình các khu vực, dự án quốc phòng an ninh liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh.
a) Trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan liên quan quán triệt thực hiện các nội dung kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đồng bộ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế gắn với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự... cũng như xây dựng các cơ sở kinh tế vững mạnh gắn với các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần kỹ thuật và hậu phương.
b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đẩy mạnh xây dựng các mô hình bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, các mô hình tổ chức phát triển kinh tế (doanh nghiệp, cộng đồng) gắn với quốc phòng, an ninh nhất là ở các địa bàn trọng yếu, dọc biên giới, bờ biển; sắp xếp, bố trí lại lực lượng quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, vùng, lãnh thổ cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
c) Sở Công thương rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ bản, hỗ trợ công nghiệp quốc phòng, an ninh, công nghiệp chế tạo máy, điện tử tin học, công nghệ vật liệu mới. ..tăng cường khả năng tự sản xuất một số sản phẩm, các mặt hàng chiến lược, thiết yếu để giảm dần nhập khẩu.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch động viên nền kinh tế trong tình trạng xảy ra chiến tranh.
e) Công an tỉnh chủ trì tăng cường biện pháp ngăn chặn những hoạt động lợi dụng hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, lợi dụng viện trợ, hợp tác, sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nhân lực để chống phá, gây phương hại đến an ninh quốc gia.
g) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh rà soát, xác định rõ các loại đất quốc phòng an ninh được phát triển kinh tế; quản lý chặt chẽ quy hoạch đất quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế.
h) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy định phân cấp trong thẩm định, trách nhiệm phê duyệt các dự án FDI tại các địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm về quốc phòng và an ninh; kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh.
i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, theo dõi, đôn đốc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh, trong đó chú trọng phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Rà soát hoàn thiện các chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ; Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biển và hải đảo thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác đánh bắt hải sản xa bờ, hỗ trợ ngư dân trong chế biến, bảo quản, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo kịp thời thiên tai cho nhân dân, tăng cường phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên biển.
k) Sở Khoa học và Công nghệ bám sát, lập kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
l) UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, các vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến cũ theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020 đối với các huyện nghèo, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020; Tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục thực hiện tốt công tác định canh, định cư; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo và địa bàn chiến lược, quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, hải đảo và địa bàn chiến lược.