Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020

Số hiệu 80/NQ-CP
Ngày ban hành 19/05/2011
Ngày có hiệu lực 19/05/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/NQ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI KỲ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Những năm qua, việc tập trung thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Thành tựu giảm nghèo của nước ta thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tình hình trên trước hết do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nên mặc dù Nhà nước luôn dành nguồn lực lớn cho giảm nghèo nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; bên cạnh đó, một số chương trình, chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn, thiếu sự gắn kết chặt chẽ; cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành, phân công phân cấp còn chưa hợp lý, việc tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số nơi chưa sâu sát. Ngoài ra, một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo thời gian tới, Chính phủ quyết nghị về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn;

b) Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản;

c) Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo; xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng: Người nghèo, hộ nghèo trên phạm vi cả nước; ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.

2. Địa bàn:

a) Huyện nghèo;

b) Xã nghèo, bao gồm:

- Xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi;

- Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

- Xã biên giới và xã an toàn khu.

c) Thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

III. CHÍNH SÁCH

1. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung:

a) Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ.

- Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo trên cả nước.

[...]