Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2024
Ngày có hiệu lực 11/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 04 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32/CT-TTG NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông (gọi tắt là Chỉ thị số 32/CT-TTg), Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Tỉnh trong việc quán triệt và thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, văn bản của Trung ương và Tỉnh có liên quan(1). Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg, trong đó tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông (cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) trên địa bàn Tỉnh.

2. Lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg với việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương từng giai đoạn; kết hợp chặt chẽ với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025(2) và những năm tiếp theo.

3. Trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg cần xác định rõ mục tiêu cụ thể, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, phân công tổ chức thực hiện rõ ràng để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tế của Tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quy hoạch hệ thống, mạng lưới cơ sở giáo dục

a) Quy hoạch hệ thống, mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh gắn với triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050(3) và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và các huyện, thành phố trong từng giai đoạn; kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người học đến trường; triển khai thực hiện trên cơ sở “khoa học” không phải “cơ học”, không giảm số lượng đơn thuần.

c) Trên cơ sở quy định chung của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư, cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao tại địa bàn thuận lợi cho một bộ phận người học có điều kiện.

2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

a) Tiếp tục triển khai xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy liên môn, tích hợp để thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

b) Tiếp tục đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông chưa đạt trình độ được đào tạo chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019, phấn đấu đến hết năm 2025, 100% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định.

c) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành gắn với việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung của Tỉnh(4).

3. Đảm bảo nguồn lực để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

a) Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của Tỉnh.

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 13 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025. Sau năm 2025, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương về cơ sở vật chất cho giáo dục, trình Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành Nghị quyết mới để triển khai thực hiện.

c) Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn quy định tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo(5). Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng cơ bản yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

4. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; duy trì kết quả phổ cập giáo dục và xoá mù chữ

a) Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn theo Kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

b) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà trường theo hướng chuyển từ “quản lý” sang “quản trị”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục thực chất và hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả cao.

c) Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; xoá mù chữ mức độ 2 và với các tiêu chí thành phần vững chắc hơn thời điểm trước; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 03, 04 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 theo lộ trình quy định của Trung ương.

5. Thực hiện an sinh xã hội trong giáo dục

a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với người học theo quy định của Trung ương (miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập). Căn cứ vào điều kiện thực tế của ngân sách Tỉnh, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương từng bước thực hiện lộ trình miễn, giảm học phí đối với cấp trung học cơ sở.

b) Triển khai thực hiện việc Nhà nước mua sách giáo khoa cho người học mượn để học khi Trung ương có chủ trương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]