Kế hoạch 122/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 29/02/2024
Ngày có hiệu lực 29/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 29 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 30/12/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XII về nhiệm vụ năm 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Chương trình), trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, mục đích, chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện công tác giảm nghèo, với phương châm: “Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”.

- Trên cơ sở Kế hoạch này, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị liên quan xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch.

2. Yêu cầu

- Các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Kế hoạch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương; phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Thực hiện công tác giảm nghèo phải theo địa chỉ, theo nguyên nhân căn cơ (thu nhập, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản), theo nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng trên cơ sở các chính sách giảm nghèo hiện hành và nhu cầu của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết, theo chuỗi giá trị, các dự án giảm nghèo hiệu quả.

- Tăng cường huy động xã hội hóa và lồng ghép các nhiệm vụ của Kế hoạch với các chương trình, dự án, đề án khác để đảm bảo thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, các mục tiêu của Kế hoạch.

- Xác định rõ vai trò của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và thủ trưởng các đơn vị, địa phương đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tạo sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Huy động các cấp, các ngành vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Tổ chức đánh giá, đảm bảo được chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN

1. Đối tượng thực hiện

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

- Các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh gồm: Huyện Đắk Glong, huyện Tuy Đức (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện nghèo; các tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Phạm vi thực hiện: Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là huyện nghèo.

3. Thời gian thực hiện: Năm 2024.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; tạo sinh kế và tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng toàn diện; cải thiện tốt nhất đời sống vật chất - tinh thần cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững nhằm hướng đến và góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã đề ra, đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 2% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025).

- Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp,...

[...]