Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 118/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 15/04/2024
Ngày có hiệu lực 15/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hà Minh Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 03/6/2017 HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể hóa các mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 03/6/2017 thành các nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân Thành phố và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp từ Thành phố đến cơ sở, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế tư nhân đặc biệt là phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Thành phố trong phát triển kinh tế tư nhân.

2. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ phải được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của chính quyền các cấp theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Nội dung Kế hoạch hành động phải thiết thực, gắn với thực tiễn hoạt động, phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố, xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào GRDP, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống, thu nhập cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến hết năm 2025 trên địa bàn Thành phố có khoảng 439.130 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021-2025 số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 152.677 doanh nghiệp (số doanh nghiệp thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 30.535 doanh nghiệp); đến hết năm 2030 có khoảng 600.000 doanh nghiệp.

Hình thành và phát triển nhiều mô hình kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

1.1. Văn Phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 5432/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai:

Thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và nội dung liên quan đến doanh nghiệp quy định trong các văn bản pháp quy khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thực hiện các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021.

1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Hàng năm, xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, trong quá trình triển khai thực hiện đã lồng ghép công tác hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý hợp tác xã, công tác quản lý chuỗi cho cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tham gia sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

1.4. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh nói chung, quy định điều kiện kinh doanh nói riêng.

1.5. Cục Thuế Thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan: Hàng năm triển khai phổ biến chính sách thuế mới, chính sách thuế sửa đổi, bổ sung; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế (mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế như triển khai Hệ thống điện tử Etax; ứng dụng Etax Mobile; triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, ứng dụng quản lý trước bạ, nhà đất phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh toán nghĩa vụ về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Áp dụng hóa đơn điện tử đối với kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai… ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Thường xuyên nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế. Tham gia, đóng góp ý kiến vào các văn bản, chính sách, quy trình quản lý thuế quy định về ưu đãi thuế với Tổng Cục thuế và Bộ Tài chính dành cho khu vực Hộ kinh doanh - loại doanh nghiệp chiếm phần lớn trong nền kinh tế tư nhân tại Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 100/2021/TT-BTC, Văn bản hợp nhất số 24/VBHN của Bộ Tài chính; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình quản lý thuế Hộ kinh doanh; Triển khai chức năng Bản đồ số Hộ kinh doanh tại Công văn số 3026/TCT-DNNCN ngày 20/7/2023 áp dụng trong toàn ngành thuế để nâng cao hiệu quả việc công khai thông tin hộ kinh doanh theo quy định của Luật quản lý thuế.

[...]