Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2021 triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 03/KH-UBND
Ngày ban hành 06/01/2021
Ngày có hiệu lực 06/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 06 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG TẠI CÁC VÙNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

- Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013;

- Căn cứ Nghị định 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;

- Căn cứ Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau.

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

- Nhằm tiếp tục giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững; góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh;

- Hướng đến cân bằng sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên địch, thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái tăng khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một diện tích đất nông nghiệp;

- Nâng cao vai trò chủ động của nông dân trong quản lý đồng ruộng hướng đến nông dân trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025.

(1). Là một trong các tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả chương trình IPM theo tiêu chí của tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

(2). Có 80 - 90% số xã/phường sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân được huấn luyện hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về IPM.

(3). Có 50 - 60% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM trên các cây trồng.

(4). Mở rộng ứng dụng diện tích IPM trên các cây trồng, cụ thể:

- Cây lúa: Đến năm 2025 có 60 - 65% diện tích ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo cấy và đạt trên 90% diện tích trong vùng sản xuất tập trung;

- Cây rau màu: Đến năm 2025 có 70% diện tích ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng và đạt 100% trong vùng sản xuất tập trung;

- Cây ăn quả: Đến năm 2025 có 70% diện tích ứng dụng IPM;

- Cây trồng chủ lực khác (cây chè, cây dược liệu, cây dong riềng...): Đến năm 2025 có 50 - 60% diện tích ứng dụng IPM.

(5). Xây dựng mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên toàn tỉnh (nông dân tham gia làm khoa học).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đào tạo và bồi dưỡng giảng viên.

- Đào tạo giảng viên TOT: 06 lớp (30 học viên/lớp) trên các cây trồng: cây rau màu, cây lúa, cây ăn quả, cây trồng chủ lực khác (cây chè, cây dược liệu, cây dong riềng...);

- Tổ chức các khoá bồi dưỡng về kỹ năng và phương pháp huấn luyện cho các giảng viên IPM ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

2. Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng để thực hiện chương trình IPM.

2.1. Mở các lớp huấn luyện IPM cho nông dân.

- Tổng số lớp huấn luyện IPM cho nông dân đến năm 2025: 420 lớp với số lượng hộ nông dân được huấn luyện: 12.600 lượt hộ chiếm trên 10% số hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh; bình quân mở 84 lớp/năm. Trong đó:

[...]