HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2019/NQ-HĐND
|
Phú Thọ, ngày 16 tháng 7 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm
2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018
của Chính phủ về cơ
chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018
của Chính phủ về
chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp;
Xét Tờ trình số 2899/TTr-UBND ngày
27 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú
Thọ; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh;
ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích
phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cụ thể như sau:
1. Quan điểm hỗ trợ
Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng
hóa, bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát
triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc
trưng của tỉnh, nâng cao chất lượng,
giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Chuyển đổi tư duy, nhận thức của người
dân và doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá
trị từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và
tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung hỗ trợ vào những khâu khó,
khâu mới trong quá trình thực hiện như: Ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng
nhãn hiệu, thương hiệu; xúc tiến thương mại cho đến khi đạt được mục tiêu của
chương trình, dự án.
2. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định cụ thể chính
sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ.
3. Đối tượng áp dụng
- Các cá nhân, tổ chức theo quy định
của pháp luật, tham gia các hoạt động đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến
tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, điều hành, thực hiện chính sách.
4. Nguyên tắc áp dụng
Hỗ trợ sản xuất tập trung, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, danh mục
các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ
trợ phải đảm bảo đầy đủ điều kiện được hỗ trợ và hồ sơ thanh toán theo quy định.
Thủ trưởng cơ quan, cán bộ thẩm định hồ sơ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về những nội dung thẩm định theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong cùng thời gian có nhiều chính
sách hoặc có chính sách mới của nhà nước được ban hành, cùng một nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có
lợi nhất. Các đối tượng và nội dung hỗ trợ không có trong Nghị quyết này thì được
hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương hoặc của tỉnh đã ban hành.
5. Các nội dung hỗ trợ
a) Hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng
thương hiệu chè xanh Phú Thọ
- Đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Điều kiện hỗ trợ: Có vùng nguyên liệu
trên địa bàn tỉnh, có dự án sản xuất, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu chè
xanh công suất chế biến 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Nội dung, mức hỗ trợ: Chi phí nâng
cao chất lượng vùng nguyên liệu; cải tiến công nghệ sản xuất, chế biến; xây dựng,
phát triển nhãn hiệu và xúc tiến thương mại. Mức hỗ trợ tối đa 1,2 tỷ đồng/dự
án.
- Phương thức hỗ trợ: Theo hạng mục đầu
tư hoàn thành được nghiệm thu của dự án.
b) Hỗ trợ phát triển cây bưởi
- Đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp,
trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Điều kiện hỗ trợ: Có diện tích trồng
tập trung bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Da Xanh và các giống bưởi tiềm năng
khác theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy mô từ 05 héc
ta trở lên đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; từ 03 héc ta trở lên đối với tổ hợp tác; từ 01 héc ta trở lên
đối với trang trại.
- Nội dung, mức hỗ trợ:
Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/héc ta
chi phí mua cây giống phục vụ trồng mới, gắn với áp dụng quy trình thực hành sản
xuất nông nghiệp tốt (GAP). Hỗ trợ sau khi trồng mới, nghiệm thu.
Hỗ trợ 03 triệu đồng/ héc ta chi phí
thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho diện tích bưởi
thời kỳ kinh doanh theo phương án được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt,
trên cơ sở được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, thống nhất bằng
văn bản.
c) Hỗ trợ phát triển rừng sản xuất
(i) Hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, tổ hợp
tác, trang trại, hộ gia đình.
- Điều kiện hỗ
trợ: Rừng trồng keo tai tượng, keo lai và các loài cây khác khi được Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố. Rừng đưa vào chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định; có quy mô
tập trung từ 10 héc ta trở lên đối với Hợp tác xã, từ 05 héc ta trở lên đối với tổ hợp tác, từ 03 héc ta trở lên
đối với trang trại, hộ gia đình; có cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã, hạt Kiểm
lâm khai thác sau 10 năm tuổi.
- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ lần 1 khi rừng
đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ
lớn, mức hỗ trợ 07 triệu đồng/ héc ta; hỗ trợ lần 2 sau 03 năm thực hiện hỗ trợ
lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ héc ta.
- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ cho đối
tượng được thụ hưởng sau nghiệm thu.
(ii) Hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững
(FSC)
- Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô tối thiểu 100 héc ta trở lên.
- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ 1 lần 70%
chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ héc ta.
- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau khi
được cấp giấy chứng nhận.
d) Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp
tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, người được ủy quyền đối với hộ nông
dân.
- Điều kiện hỗ trợ: Đảm bảo đồng thời
các điều kiện sau:
Có dự án hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được quy
định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ;
Sản phẩm hợp tác, liên kết có trong
danh mục ngành hàng, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng do Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định;
Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt hoặc Ủy ban nhân cấp huyện phê duyệt khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp.
- Nội dung hỗ trợ: Theo quy định tại
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05
tháng 7 năm 2018 của Chính phủ, bao gồm: Chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng
phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn
mác sản phẩm. Tổng mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/dự án.
- Phương thức hỗ trợ: Theo hạng mục đầu
tư hoàn thành được nghiệm thu của dự án.
đ) Hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- Đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp có dự
án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
Được hưởng các chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau
khi dự án hoàn thành: Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại thấp
nhất của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có
hoạt động cho vay các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được ngân hàng thương mại niêm yết công khai tại
các điểm giao dịch so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư công bố áp dụng
cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước,
tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ (không bao gồm
khoản vay quá hạn tính từ thời điểm quá hạn). Hạn mức vay vốn được hỗ trợ chênh
lệch lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án; tổng mức vốn hỗ
trợ chênh lệch lãi suất sau đầu tư tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án, được giải
ngân 1 lần sau khi hoàn thành các thủ tục giải ngân.
- Nguyên tắc hỗ trợ: Theo quy định của Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và trong danh mục dự án được
Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
6. Nguồn vốn hỗ trợ
Từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh,
ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính Phủ: Ngân sách Trung ương,
ngân sách tỉnh hỗ trợ theo cam kết đối với từng dự án.
- Các chính sách khác: Ngân sách tỉnh
đảm bảo 100% đối với các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; các huyện, thành,
thị còn lại ngân sách tỉnh đảm bảo 90%, ngân sách huyện đảm bảo 10% kinh phí hỗ
trợ.
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết
số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế
hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020
đã thực hiện đến ngày 31 tháng 7 năm 2019 mà chưa được hỗ trợ thì tiếp tục được
thanh toán kinh phí hỗ trợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; riêng nội dung hỗ trợ
dồn đổi ruộng đất nông nghiệp được thanh toán kinh phí hỗ trợ đến ngày 30 tháng
6 năm 2020.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực
hiện Nghị quyết này:
- Căn cứ tình hình thực tiễn sản xuất
của từng giai đoạn, ban hành: Danh mục và quy mô ngành hàng, sản phẩm nông sản
chủ lực, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ; quy định phân cấp Ủy
ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hỗ trợ liên kết trên địa bàn;
- Tổng hợp, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục quyết định chủ trương đầu tư về
danh mục dự án, định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Xây dựng kế hoạch; lập dự toán ngân
sách hàng năm đảm bảo cho việc thực hiện chính sách hiệu quả, đạt mục tiêu đề
ra;
- Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các sở,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc,
các đoàn thể cấp tỉnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Phú Thọ, Khóa XVIII, Kỳ họp
thứ Tám thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm
2019 và thay thế Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND
ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số
15/2014/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính
sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015 - 2020./.
Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ pháp chế các Bộ: KH&ĐT, NN&PTNT;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- Cổng giao tiếp điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu VT (T180b).
|
CHỦ TỊCH
Bùi Minh Châu
|